Không Gian Văn Hóa

Có những kinh nghiệm cần phải tránh!

Bác Hồ trò chuyện với xã viên Hợp tác xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên (năm 1954). (Ảnh tư liệu)

Báo Nhân dân, số 221, từ ngày 4 đến ngày 6/9/1954, với bút danh C.B., Bác Hồ đã có bài viết “Những kinh nghiệm cần phải tránh trong công tác phát động quần chúng”. Bài báo đã nêu 9 thí dụ mà Người cho là “những cái tếu” và “mong cán bộ ta cẩn thận từng lời nói, từng việc làm, thật thà “ba cùng”, làm đúng chính sách, để giành lấy kết quả tốt hơn trong công tác phát động quần chúng”. Xin dẫn lại một số trường hợp trong bài báo trên (kèm theo bình luận nhẹ nhàng, dí dỏm nhưng cũng rất sâu sắc của Bác Hồ) có thể ít nhiều liên quan đến công tác hiện nay để các tổ chức đảng, các đảng viên nghiên cứu và tránh mắc phải.

“- Ở Cao Bằng, tại một nơi trước bị địch chiếm, khi giải thích chính sách khoan hồng của Chính phủ, cán bộ nói: “Ai có tội, nói thật sẽ được khoan hồng. Giấu không được. Bay lên trời cũng có súng bắn. Chui xuống đất cũng đào lên. Trốn vào hang cũng đục đá bắt bằng được”. Một cách khoan hồng thật quái lạ!

– Trong một bản báo cáo của “tòa án nhân dân đặc biệt”, một thẩm phán đã viết: “Địa chủ X đã đánh vào gáy ông Y, máu chảy lan rộng bằng một gian nhà. Hiện nay, ông Y còn sẹo ở gáy dài độ 50 phân tây”. Một cái sẹo ở gáy dài nửa thước tây!

– Ở xã T, đồng chí A chắc 2 cốt cán đã được “bồi dưỡng” 100 phần 100. Khi sắp giới thiệu 2 người vào Đảng, họ đều nói: “Nhà neo người, không dám vào Đảng. Chúng em có xin vào đâu”. Thế là đã rất sơ suất đối với việc giới thiệu người vào Đảng.

– Một khuyết điểm rất phổ biến là: Khi nói với bà con nông dân, cán bộ hay dùng danh từ: Sách lược, quan điểm, đối tượng, cao độ, v.v. và v.v.. Kết quả là “dầm” suốt buổi mà chẳng ai hiểu cán bộ “dầm” cái gì”[1].

Trong thực tế công tác, các cán bộ, đảng viên, nhất là những người làm công tác tuyên truyền, vận động, có thể tự rà soát lại xem mình có từng mắc một trong các kinh nghiệm đó không. Chẳng hạn, tương tự trường hợp thứ nhất, liệu khi vận động, có ai đã diễn đạt bằng những cách quá “khủng” (mang tính cường điệu và đe dọa), khiến người nghe hốt hoảng, thay vì thấu hiểu, chia sẻ, đồng cảm và làm theo các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước?

Hay trong các báo cáo, liệu có trường hợp nào đã “phóng tay” quá mức để có những số liệu, những mô hình thật khó tồn tại trên thực tế? Phải chăng, đây đó vẫn có tình trạng “sáng tác” khi thực hiện công tác thông tin, báo cáo, vì sợ bị cấp trên phê bình, vì muốn chạy theo thành tích? Và khi tiếp nhận, phải chăng có cấp trên cũng không suy xét, không thẩm định mà đã tin ngay và tiếp tục đưa vào báo cáo để chuyển lên cấp trên nữa?

Trong công tác tuyên truyền, vận động, liệu có ai không chú ý đến đối tượng tiếp nhận mà cứ bê nguyên xin văn bản, nghị quyết để đọc thao thao? Hoặc khi chuyển tải đường lối, chỉ đạo, định hướng của Đảng, gặp đối tượng nào cũng hào hứng với những từ rất kêu, những cách diễn đạt rất hoành tráng nhưng không rõ nội dung, nội hàm như thế nào, người nghe có hiểu hay không… Ví như đi tuyên truyền cho nông dân cần gắn việc thực hiện các công việc cụ thể như hạn chế thuốc bảo vệ thực vật, phát huy nhiều hơn các loại thiên địch, tích cực bảo vệ môi trường… với việc ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, hiệu quả, cải thiện đầu ra…, chứ không phải chỉ hô hào về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, về khát vọng hùng cường…

Đoàn viên thanh niên gỡ các rao vặt, quảng cáo kém mỹ quan trên các cột điện ở tuyến đường Lý Tế Xuyên, phường Linh Đông, TP Thủ Đức. (Ảnh: VT)

Suy cho cùng, trong bất kỳ hoạt động, công tác nào của cán bộ, đảng viên trong nội bộ hệ thống chính trị hay với nhân dân đều rất cần tính thiết thực, cụ thể, sắc gọn… Chẳng hạn, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh các giải pháp mang tính định hướng của Thành ủy, UBND thành phố, cần các giải pháp cụ thể của từng cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng. Trong đó, không thể chỉ kêu gọi sự tận tâm, tận lực, phát huy tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức mà phải gắn với những cải thiện về chế độ làm việc, thu nhập, khen thưởng, đãi ngộ… Và các việc này phải được quan tâm thực hiện thường xuyên để trở thành nền nếp chứ không phải là các phong trào.

Hay vận động người dân tích cực thực hiện dọn dẹp vệ sinh ở khu vực mình đang sống, trước hết phải giúp mọi người nhận thức rõ điều đó sẽ giúp nhà mình, khu phố của mình sạch sẽ, hạn chế dịch bệnh, tạo môi trường sống tốt hơn, từ đó hình thành không khí vui tươi, phấn khởi chung…, chứ không phải chỉ hướng đến những mục tiêu có phần xa như mỹ quan đô thị, hạn chế tác hại của biến đổi khí hậu… Việc vận động phải gắn liền với việc nêu gương chứ không phải cán bộ, đảng viên chỉ có vận động, còn việc thực hiện là của người dân. Khi cần thiết phải làm lễ phát động thì phải thật ngắn gọn, các phát biểu và hành động cần có tính cổ động, hiệu triệu cao, tránh dài lê thê, để người tham dự mệt mỏi, xong phần “lễ” thì chỉ muốn “nghỉ” chứ không ai còn muốn “làm”!

Trở lại bài viết của Bác Hồ, Người nhấn mạnh: “Những cái tếu trên đã làm hại nhiều cho công việc”. Quả thật, nếu cách làm chỉ tập trung vào hô hào, khẩu hiệu, ít tính thiết thực… thì chính trong các tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị, kết quả cũng không đi đến đâu nói gì đến việc phát động, thuyết phục nhân dân và động viên nhân dân thực hiện!

Vân Tâm

——–

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.43.

NGUỒN: THANHUYTPHCM.VN

Chủ đề liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button