Hướng dẫn tuyên truyền kết quả phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội năm 2024, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2025
Nhằm tuyên truyền, lan tỏa tinh thần mới, khí thế mới cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân Thành phố về những kết quả phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội năm 2024; về những thành tựu to lớn của đất nước sau 40 năm Đổi mới – góp phần tạo ra thế và lực của đất nước – để tiếp tục vững bước phát triển bứt phá trong giai đoạn tiếp theo; cổ vũ ý chí quyết tâm, khắc phục khó khăn, tranh thủ cơ hội, vượt qua thách thức, phát huy nội lực, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước góp phần hoàn thành nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội năm 2025; Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Hướng dẫn số 02-HD/BTGDVTU, ngày 12/02/2025, hướng dẫn tuyên truyền kết quả phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội năm 2024, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2025. Hướng dẫn số 02-HD/BTGDVTU đề cập các nội dung tuyên truyền gồm:
1. Phân tích bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước năm 2024; khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả của Nhà nước trong việc triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước
1.1. Năm 2024, tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, có vấn đề vượt dự báo, chưa từng có tiền lệ; cạnh tranh chiến lược nước lớn, xung đột Nga – Ukraine, xung đột khu vực Trung Đông kéo dài, tác động tiêu cực đến giá năng lượng, thực phẩm toàn cầu, ảnh hưởng sâu sắc đến cục diện chính trị, kinh tế thế giới, tạo nên những áp lực và thách thức lớn đối với các quốc gia. Hệ thống thương mại, đầu tư, sản xuất và tiêu dùng suy giảm, tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu thấp hơn mức trung bình dài hạn. Các quốc gia tăng cường đa dạng hóa chuỗi cung ứng để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, thúc đẩy xu hướng dịch chuyển sản xuất sang khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Trong nước, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với nhiều tác động bất lợi từ bên ngoài cùng những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài qua nhiều năm, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh, sức chống chịu của nền kinh tế và yêu cầu phát triển bền vững. Thị trường tài chính, tiền tệ tiềm ẩn thách thức, nợ xấu ở mức cao, việc xử lý các ngân hàng yếu kém còn chậm, tăng trưởng tín dụng thấp, khả năng hấp thụ và tiếp cận vốn của doanh nghiệp hạn chế. Dịch bệnh, thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp, nhất là cơn bão số 3 (Yagi) gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, hạ tầng kinh tế – xã hội và sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản cho nhiều địa phương, làm gia tăng thách thức trong việc duy trì ổn định và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
1.2. Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, Đảng vẫn luôn khẳng định vai trò lãnh đạo, chỉ đạo sự phát triển kinh tế đất nước thông qua các chủ trương, đường lối, trong đó có nhiều chỉ thị, nghị quyết, kết luận quan trọng về tình hình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế – xã hội được Quốc hội kịp thời thể chế hóa, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sát sao, trong đó có các nội dung quan trọng, như: Điều hành đồng bộ chính sách tiền tệ, tài khóa và vĩ mô để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, ổn định các thị trường quan trọng; hoàn thiện thể chế, tháo gỡ điểm nghẽn pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; phát triển hạ tầng chiến lược, đặc biệt là giao thông, đô thị và chuyển đổi số; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với khoa học – công nghệ, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là lĩnh vực công nghệ cao, sản xuất chip bán dẫn; gắn kết phát triển kinh tế với cải thiện đời sống, xã hội và phát triển thị trường lao động linh hoạt; ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; thúc đẩy liên kết vùng, quy hoạch và phát huy vai trò các vùng kinh tế, đô thị lớn; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số; và củng cố quốc phòng, giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy đối ngoại, hội nhập quốc tế, tạo đồng thuận xã hội. Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước, tình hình kinh tế – xã hội tiếp tục đạt những kết quả rất quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực, tạo nền tảng vững chắc đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
2. Tuyên truyền kết quả phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 và những thành tựu to lớn của đất nước sau 40 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng
2.1. Làm rõ những kết quả phát triển kinh tế – xã hội năm 2024
– Kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững, tiếp tục là điểm sáng của kinh tế toàn cầu: Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát hiệu quả, tăng trưởng được thúc đẩy mạnh, các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư cao; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng, đạt mức cao nhất từ trước tới nay; thu ngân sách Nhà nước đạt kết quả tích cực, vượt dự toán đề ra; bội chi ngân sách, nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài quốc gia được kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm trong giới hạn an toàn; đầu tư phát triển có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, đạt kết quả tích cực; phát triển doanh nghiệp tiếp tục duy trì xu hướng tích cực, môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải thiện. Nhiều công trình giao thông quan trọng, quy mô lớn được đầu tư, nâng cấp, bảo đảm kết nối giữa các trung tâm kinh tế lớn, các vùng miền trong cả nước và giao thương quốc tế. Cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch tích cực, kinh tế số, kinh tế xanh đóng vai trò ngày càng quan trọng; công nghiệp phục hồi tích cực, là động lực quan trọng, dẫn dắt tăng trưởng, dự án nhà máy điện hạt nhân được tái khởi động; thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, du lịch phát triển mạnh; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng khá; dịch vụ phục hồi tốt sau đại dịch Covid-19.
– Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm đầu tư phát triển, đạt kết quả rõ nét. An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống Nhân dân được cải thiện; các chính sách xã hội, chính sách bảo trợ và các chính sách, biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, người dân gặp khó khăn được triển khai kịp thời. Chất lượng giáo dục và đào tạo được nâng lên; lực lượng lao động, tỷ lệ lao động có việc làm tăng, thu nhập bình quân tăng so với cùng kỳ năm 2023. Thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân với chất lượng khám, chữa bệnh từng bước được nâng cao, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tăng. Phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát, xây dựng nhà ở xã hội được triển khai quyết liệt, bảo đảm “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Các chính sách dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng được ưu tiên, chú trọng; công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, giáo dục thanh, thiếu niên, phát huy vai trò người cao tuổi, bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, thông tin truyền thông… được tăng cường.
– Công tác tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ được tiến hành khẩn trương, với sự quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, bảo đảm “tinh – gọn – mạnh – hiệu năng – hiệu lực – hiệu quả ”; tập trung sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, cải cách hành chính được chú trọng, có nhiều đổi mới trong cách chỉ đạo, cách làm với yêu cầu hoàn thiện thể chế là “đột phá của đột phá”; tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, góp phần tiết giảm chi phí; tích cực xây dựng thể chế để xóa bỏ cơ chế “xin – cho”. Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong xây dựng pháp luật được triển khai mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả tích cực.
– Quản lý tài nguyên, đất đai được tăng cường; kiểm soát ô nhiễm môi trường được quan tâm và đạt nhiều kết quả khả quan. Chú trọng huy động các nguồn lực ứng phó với biến đổi khí hậu; triển khai quyết liệt các chương trình hành động phát triển xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng với mục tiêu hướng tới đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
– Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, thực hiện có hiệu quả, đạt nhiều kết quả quan trọng, gắn với tăng tốc, bứt phá phát triển kinh tế – xã hội, hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân được tăng cường, cải thiện, góp phần giải quyết, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của công dân, bảo đảm an ninh chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
– Tiềm lực quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường; xử lý linh hoạt, chủ động, hiệu quả các tình huống, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; an toàn thông tin được tăng cường. Hoạt động đối ngoại diễn ra sôi động, liên tục, đạt nhiều thành tựu quan trọng, có tính lịch sử, tạo thuận lợi, thời cơ mới để phát triển kinh tế – xã hội và góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển, tiếp tục củng cổ, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
2.2. Tuyên truyền những thành tựu to lớn của đất nước sau 40 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng
– Khẳng định sau 40 năm đổi mới, từ một nước kém phát triển, quy mô nền kinh tế nhỏ bé, Việt Nam đã vươn lên thuộc nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, với quy mô thương mại nằm trong Top 20 quốc gia hàng đầu. Việt Nam cũng trở thành mắt xích quan trọng trong 16 Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), kết nối với 60 nền kinh tế chủ chốt trên toàn cầu và khu vực. Từ một quốc gia từng bị bao vây, cô lập, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, xây dựng quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 30 nước, bao gồm tất cả các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (P5), các cường quốc, đảm nhiệm nhiều trọng trách và trở thành thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức quốc tế và khu vực. Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; lợi ích quốc gia, dân tộc được bảo đảm. Đời sống Nhân dân được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, được Liên hợp quốc và bạn bè quốc tế xem như một điểm sáng về xóa đói giảm nghèo, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; hoàn thành về đích sớm các mục tiêu Thiên niên kỷ. Tiềm lực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học – công nghệ, quốc phòng, an ninh không ngừng nâng cao; tham gia đóng góp tích cực duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.
– Phân tích những nhân tố làm nên thành tựu to lớn sau 40 năm đổi mới đất nước, trong đó nhấn mạnh, làm sâu sắc những nhân tố mang tính quyết định như: Sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc.
3. Phân tích dự báo một số yếu tố tác động đến nền kinh tế đất nước; làm sâu sắc các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội năm 2025
3.1. Những yếu tố tác động đến nền kinh tế đất nước
– Năm 2025, hòa bình, hợp tác và phát triển tiếp tục là xu thế lớn, nhưng tình hình quốc tế, khu vực dự báo vẫn trong giai đoạn nhiều biến động với những thay đổi sâu sắc về chính trị, kinh tế, xã hội; nhiều khó khăn, thách thức mới xuất hiện, khó lường hơn; chủ nghĩa bảo hộ và xu hướng liên kết mới trên thế giới đặt ra nhiều thách thức. Triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu còn đối mặt với nhiều nguy cơ, rủi ro. Các thách thức an ninh phi truyền thống, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan… diễn biến bất thường.
– Triển vọng kinh tế – xã hội đất nước được đánh giá tích cực, dựa trên nền tảng chính sách kinh tế vĩ mô ổn định, các cải cách thể chế và nỗ lực phát triển hạ tầng; cùng với đó, việc thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế xanh và nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh tiếp tục tạo động lực cho tăng trưởng bền vững. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, tác động của những yếu tố bất lợi bên ngoài như tình trạng bất ổn an ninh, chính trị tại một số quốc gia, khu vực, biến động kinh tế toàn cầu, xu hướng bảo hộ thương mại… và khó khăn, thách thức khi nước ta là nước đang phát triển, nền kinh tế trong quá trình chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, có độ mở lớn, sức chống chịu và cạnh tranh còn hạn chế, năng suất lao động thấp.
Năm 2025 được xác định là năm “tăng tốc, bứt phá”, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm 2021 – 2025; góp phần tạo cơ sở, tiền đề, nền tảng vững chắc cho đất nước bước vào kỷ nguyên mới, để trở thành quốc gia giàu mạnh, thịnh vượng và Nhân dân ngày càng hạnh phúc, ấm no. Cũng là năm thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; năm tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 – 2030 tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; là năm có nhiều hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước như: 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; 80 năm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam…
3.2. Các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội năm 2025
– Tiếp tục tuyên truyền đường lối phát triển kinh tế – xã hội của Đảng, Chính phủ, Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố; các nghị quyết, chỉ thị, kết luận mới về lĩnh vực kinh tế – xã hội, chú ý các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển 06 vùng trọng điểm; Quy hoạch quốc gia và các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Quy hoạch các vùng trọng điểm; chiến lược phát triển các ngành mới, mũi nhọn, tạo động lực và mở rộng không gian cho phát triển…
– 08 nhóm nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ nhằm tăng tốc phát triển kinh tế – xã hội năm 2025, chú ý phân tích các giải pháp nhằm làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống; thúc đẩy, tạo đột phá cho các động lực tăng trưởng mới, giải pháp tăng năng suất lao động nhanh, cao và bền vững: (1) Tiếp tục hoàn thiện thể chế là “đột phá của đột phá”; tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả; xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. (2) Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và có thặng dư cao; bội chi, nợ công trong giới hạn an toàn, hợp lý; giữ đà, giữ nhịp và tăng tốc, bứt phá, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 8%. (3) Huy động tối đa các nguồn lực xã hội, khai thác hiệu quả nguồn lực từ doanh nghiệp nhà nước, phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân. (4) Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia; nghiên cứu khai thác hiệu quả không gian vũ trụ, không gian biển, không gian ngầm. (5) Bảo đảm cung ứng điện trong mọi tình huống, đáp ứng nhu cầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng cả trước mắt và lâu dài. (6) Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. (7) Chú trọng phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. (8)Bảo đảm ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc, độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế.
– 09 nhóm nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh: (1) Tập trung thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ, đạt kết quả cao nhất, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch giai đoạn 2021 – 2025; chuẩn bị, tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV; phối hợp chặt chẽ, tổ chức tốt các ngày lễ, kỷ niệm lớn của đất nước. (2) Thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững trên cơ sở đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc tế; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư xây dựng Thành phố. (3) Tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch theo định hướng phát triển liên kết vùng; phát triển, chỉnh trang đô thị bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. (4) Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện, hiệu quả, thực chất giáo dục, đào tạo; phát triển khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là động lực chủ yếu phát triển kinh tế – xã hội; nâng cao năng suất lao động. (5) Phát triển mạnh mẽ văn hóa, xã hội, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xây dựng con người Thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động, sáng tạo. (6) Quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. (7) Bảo đảm quốc phòng, an ninh. (8) Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, thúc đẩy ngoại giao Nhân dân; kết nối kiều bào trong và ngoài nước, phát huy nguồn lực kiều hối. (9) Tiếp tục thực hiện có hiệu quả mô hình Chính quyền đô thị; các cơ chế chính sách đặc thù thí điểm phát triển Thành phố; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện mô hình, khuôn khổ pháp lý Chính quyền đô thị sát với thực tiễn phát triển Thành phố. Xây dựng nền công vụ Thành phố hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh cải cách hành chính đồng bộ với thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, xã hội số và công dân số.
– Tuyên truyền mục tiêu tổng quát của Thành phố Hồ Chí Minh: “Phấn đấu hoàn thành mục tiêu của nhiệm kỳ; chuẩn bị sẵn sàng triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XII”; Chủ đề năm 2025 là: “Tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy tinh – gọn – mạnh – hiệu năng – hiệu lực – hiệu quả; đẩy mạnh chuyển đổi số, Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội; giải quyết cơ bản những vướng mắc, tồn đọng của Thành phố”; các chỉ tiêu (gồm 31 chỉ tiêu thành phần) kinh tế – xã hội chủ yếu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI và phân chia thành 05 nhóm như sau:
(1) Nhóm 07 Chỉ tiêu về kinh tế: (1) Phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trên 10%; tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%; (2) Phấn đấu kinh tế số đóng góp khoảng 25% trong GRDP; (3) GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 8.500 USD; (4) Tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 35% trong GRDP; (5) Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP đạt trên 50%; 42 (6) Tỷ lệ chi đầu tư cho khoa học và công nghệ của xã hội đạt trên 1%/GRDP; (7) Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt 7%.
(2) Nhóm 06 Chỉ tiêu về văn hóa – xã hội: (8) Tỷ lệ lao động đang làm việc qua đào tạo nghề có chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận đạt 87,2%; (9) Tạo việc làm mới cho 140.000 lao động; tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 4%; (10) Thực hiện giảm 0,04% tỷ lệ hộ nghèo trên tổng số dân Thành phố (giảm 1.114 hộ nghèo) và giảm 0,13% tỷ lệ hộ cận nghèo trên tổng số dân Thành phố (giảm 3.553 hộ cận nghèo); Thành phố không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia; không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo Thành phố; (11) Đạt tỷ lệ 21 bác sĩ/vạn dân; 42 giường bệnh/vạn dân; (12) Đạt 300 phòng học/vạn dân trong độ tuổi đi học (từ 3 đến 18 tuổi); Đảm bảo 100% trẻ trong độ tuổi đến trường đều được đi học; (13) Tổng tỷ suất sinh đạt ít nhất 1,4 con/phụ nữ (tuổi sinh đẻ).
(3) Nhóm 06 Chỉ tiêu phát triển đô thị, bảo vệ môi trường: (14) Tiếp tục duy trì 100% số hộ dân sử dụng nước sạch; (15) Tiếp tục duy trì xử lý chất thải về y tế đạt 100%; tiếp tục duy trì xử lý nước thải công nghiệp đạt 100%; (16) Tỷ lệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ mới hiện đại (đốt phát điện) và tái chế đạt ít nhất 80%; (17) Tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt 15%; mật độ đường giao thông bình quân trên diện tích đất toàn thành phố đạt 2,5 km/km2; (18) Tổng diện tích nhà ở xây dựng mới đạt 8 triệu m2; diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 23,5m2/người; (19) Diện tích cây xanh đô thị đạt không dưới 0,75m2/người.
(4) 02 Chỉ tiêu về cải cách hành chính: (20) Phấn đấu Thành phố nằm trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và nhóm 15 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số cải cách hành chính (PAR-index); (21) Tỷ lệ người dân hài lòng với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước ở từng lĩnh vực đạt 95% trở lên.
(5) Nhóm 01 Chỉ tiêu đảm bảo an ninh, cụ thể như sau: Công tác giữ vững an ninh chính trị được đảm bảo; kéo giảm tội phạm về trật tự xã hội, nâng cao tỷ lệ điều tra, khám phá án và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; xây dựng các kế hoạch về kéo giảm cầu ma túy; kéo giảm số vụ, số người chết, số người bị thương do tai nạn giao thông; nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy và kiềm chế, kéo giảm số vụ cháy, không để xảy ra các vụ cháy, nổ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng.
3.3. Tiếp tục lan tỏa chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về nhận thức và định hướng nhiệm vụ, giải pháp chuẩn bị cho đất nước bước vào kỷ nguyên mới; biến nhận thức, niềm tin thành ý chí, hành động cho cả hệ thống chính trị, mọi tầng lớp Nhân dân quyết tâm thực hiện các mục tiêu Đại hội Đảng đề ra với tinh thần rút ngắn thời gian, tăng tốc, bứt phá để thực hiện hiệu quả cao nhất Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2025 (nhất là chỉ tiêu tăng trưởng GDP) và Kế hoạch 5 năm 2021 – 2025, tạo tiền đề hướng đến tăng trưởng kinh tế hai con số giai đoạn 2026 – 2030, tạo cơ sở, nền tảng vững chắc để đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên phồn vinh, thịnh vượng và phát triển của dân tộc Việt Nam.
3.4. Tuyên truyền kết quả Kỳ họp thứ 8, 9, 10 – Quốc hội khóa XV, làm rõ những đổi mới từ tư duy đến hành động trong quá trình chuẩn bị, tổ chức và những kết quả đạt được của các kỳ họp; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông chính sách mới thông qua tuyên truyền nội dung, kết quả các kỳ họp của Quốc hội, các luật được Quốc hội thông qua, các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và các chính sách mới có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025; đặc biệt, nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới của Quốc hội nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế. Trong quá trình tuyên truyền, cần đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, của doanh nghiệp, mỗi người dân và phản ánh sự tác động, việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về phát triển hạ tầng năng lượng quốc gia, việc tái khởi động Chương trình điện hạt nhân và tiếp tục nghiên cứu Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; làm rõ tầm quan trọng, ý nghĩa, mục đích, yêu cầu của việc tái khởi động chương trình điện hạt nhân; khẳng định phát triển điện hạt nhân kết hợp cùng với năng lượng tái tạo là xu thế của nhiều quốc gia hiện nay; phù hợp với các cam kết giảm phát thải ròng về 0 (Net Zero) tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26) và Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP 28) mà Việt Nam đã ký kết.
3.5. Đẩy mạnh tuyên truyền công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tuyên truyền phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, trong đó nhấn mạnh nội dung phòng, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; phòng, chống tiêu cực là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị trên phạm vi cả nước.
3.6. Tổ chức tuyên truyền rộng rãi nội dung Chỉ thị số 40-CT/TU ngày 30 tháng 12 năm 2024 của Ban Thường vụ Thành ủy về tập trung đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa, nâng cao chất lượng, hiệu quả và phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh của Thành phố nhằm nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và người lao động trong các doanh nghiệp nhà nước thuộc Thành phố về tập trung đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa, nâng cao chất lượng, hiệu quả và phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh của Thành phố, về vai trò, sự đóng góp và định hướng phát triển của doanh nghiệp nhà nước thuộc Thành phố trong thời gian tới. Qua đó, tạo sự đồng thuận trong toàn hệ thống chính trị và sự tham gia của cán bộ, đảng viên và người lao động trong các doanh nghiệp nhà nước thuộc Thành phố trong thực hiện chủ trương về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước. Tăng cường quán triệt sâu sắc, triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07 tháng 10 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 31- NQ/TW ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trọng tâm là tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt, thiết yếu gắn với cơ cấu lại kinh tế theo hướng hiện đại, lấy kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn làm động lực phát triển; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, các ngành dịch vụ chất lượng cao; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế – xã hội với bảo đảm an ninh – quốc phòng.
4. Phản ánh thực tiễn triển khai chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế – xã hội
– Sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội tại các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và các địa phương; tập trung đánh giá sâu sắc kết quả thực hiện các Chương trình (Kế hoạch) hành động nhằm cụ thể hóa và thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
– Phản ánh toàn diện, khách quan, sát thực tế những thành tựu phát triển kinh tế – xã hội đã đạt được trong thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp từ đầu nhiệm kỳ tới nay; đồng thời làm rõ những bài học kinh nghiệm được rút ra, các nhiệm vụ, giải pháp được bổ sung từ đánh giá kết quả năm 2024 và từ đầu nhiệm kỳ Đại hội tới nay nhằm tăng tốc, thực hiện thắng lợi các mục tiêu của cả nhiệm kỳ.
– Đẩy mạnh tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước, kịp thời phát hiện, cổ vũ, biểu dương nhân tố mới và nhân rộng mô hình mới, cách làm hay, điển hình tiên tiến trong lĩnh vực phát triển kinh tế – xã hội.
– Kiên quyết đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch xuyên tạc về tình hình kinh tế – xã hội nước ta, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế – xã hội.
5. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại: Về quan điểm, chủ trương, đường lối đối ngoại nhất quán của Đảng, Nhà nước ta; kết quả công tác triển khai đường lối đối ngoại của Đảng, nhất là kết quả thực hiện mục tiêu ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; tinh thần chủ động và tích cực hội nhập quốc tế vì lợi ích quốc gia – dân tộc; bối cảnh mới trong nước và quốc tế năm 2025 tác động đến quá trình hội nhập của Việt Nam; những hoạt động đối ngoại lớn của Đảng và Nhà nước ta, các hoạt động ngoại giao Nhân dân tiêu biểu, các hoạt động của Việt Nam đăng cai tổ chức các hội nghị quốc tế, đảm nhiệm trọng trách và vai trò trong các tổ chức, diễn đàn đa phương.
Thế Dương