Nhiều chính sách của nhà nước về hỗ trợ phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã
Chính phủ ban hành Nghị định số 113/2024/NĐ-CP ngày 12/9/2024 quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã.
Nghị định số 113/2024/NĐ-CP quy định nhiều chính sách của nhà nước về hỗ trợ phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có hiệu lực từ ngày 1/11/2024 như: Chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; chính sách hỗ trợ thông tin; chính sách hỗ trợ xây dựng mạng lưới cung cấp dịch vụ tư vấn; chính sách hỗ trợ nhân rộng mô hình hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động hiệu quả; chính sách hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; chính sách hỗ trợ tiếp cận và nghiên cứu thị trường; chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trang thiết bị; chính sách hỗ trợ tư vấn tài chính và đánh giá rủi ro; chính sách hỗ trợ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp…
Nghị định này được ban hành nhằm cụ thể hóa các quy định được giao tại Luật HTX năm 2023, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thuận lợi; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cấp; nâng cao hiệu quả các chính sách hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm; hướng đến phát huy bản chất, nguyên tắc, giá trị tốt đẹp của mô hình HTX; qua đó thúc đẩy các tổ chức kinh tế tập thể phát triển năng động, hiệu quả, bền vững; xây dựng hệ sinh thái các tổ chức kinh tế hợp tác mạnh, giúp nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của các thành viên và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.
Nghị định có bố cục gồm 06 Chương, 25 Điều và Phụ lục, cụ thể: Chương I về Quy định chung, gồm 03 Điều (từ Điều 1 đến Điều 3) quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ.
Chương II về Phân loại HTX, gồm 02 Điều (Điều 4, 5) quy định chi tiết Điều 16 Luật HTX về cách xác định lĩnh vực và tiêu chí phân loại HTX; về phân loại HTX theo quy mô trong từng lĩnh vực cụ thể.
Chương III về Chính sách của Nhà nước về hỗ trợ phát triển tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX, gồm 12 Điều (từ Điều 6 đến Điều 17) quy định chi tiết các Điều 18, 20, 24, 25, 26, 27, 28 Luật HTX về tiêu chí xem xét lựa chọn đối tượng thụ hưởng chính sách, đối tượng hỗ trợ, các nội dung, kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, quy trình đề xuất hỗ trợ, tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX và đối tượng có liên quan.
Chương IV về Tài sản, tài chính của HTX, liên hiệp HTX, gồm 04 Điều (từ Điều 18 đến Điều 21) quy định chi tiết các Điều 81, 82, 83, 85, 99 và Điều 101 Luật HTX về điều kiện thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần tham gia doanh nghiệp của HTX, liên hiệp HTX; điều kiện, mức cho vay, giới hạn cho vay, lãi suất, quản lý rủi ro hoạt động cho vay nội bộ; xác định giao dịch nội bộ, thu nhập từ giao dịch nội bộ; hướng dẫn xử lý vốn, quỹ, tài sản của HTX, liên hiệp HTX, trong đó có quỹ chung không chia, tài sản chung không chia theo nguồn hình thành khi HTX, liên hiệp HTX giải thể, phá sản.
Chương V về Tổ chức thực hiện, gồm 02 Điều (Điều 22, 23) quy định trách nhiệm của các Bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ và trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc quản lý, hỗ trợ, phát triển kinh tế tập thể trong phạm vi ngành, lĩnh vực của mình.
Chương VI về Điều khoản thi hành, gồm 02 Điều (Điều 24, 25) quy định về hiệu lực thi hành và quy định chuyển tiếp; sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của Nghị định số 77/2019/NĐ-CP; và trách nhiệm thi hành Nghị định của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/11/2024; Bãi bỏ Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã năm 2012; Bãi bỏ Nghị định số 107/2017/NĐ-CP ngày 15/9/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã năm 2012.
Trong thời gian Hệ thống thông tin quốc gia về hợp tác xã chưa vận hành, việc báo cáo, cung cấp, cập nhật theo quy định trên Hệ thống này được thực hiện thông qua các hình thức văn bản giấy hoặc gửi thư điện tử.
Đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã còn số dư Quỹ dự phòng rủi ro tín dụng thì hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được tiếp tục sử dụng số dư Quỹ này để xử lý các khoản cho vay bị thất thoát do nguyên nhân khách quan từ hợp đồng tín dụng nội bộ đã được ký trước ngày 01/9/2023 (nếu có) hoặc xử lý theo Nghị quyết của Đại hội thành viên.
Bãi bỏ các điều khoản sau: khoản 1 và 3 Điều 3, Điều 4 của Nghị định số 77/2019/NĐ-CP ngày 10/10/2019 của Chính phủ về tổ hợp tác.
Sửa đổi một số điều, khoản tại Nghị định số 77/2019/NĐ-CP, trong đó Điều 5 Nghị định này quy định về quyền của tổ hợp tác được sửa đổi như sau: Tổ hợp tác có các quyền theo quy định tại điểm a, b, c, d, đ và g khoản 3 Điều 107 Luật Hợp tác xã. Tổ hợp tác được xem xét hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về phát triển tổ hợp tác theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 18 Luật Hợp tác xã và khoản 2, 3 Điều 6 Nghị định số 113/2024/NĐ-CP ngày 12/9/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã.”;
Điều 6 Nghị định số 77/2019/NĐ-CP về nghĩa vụ của tổ hợp tác được sửa đổi như sau: Tổ hợp tác có các nghĩa vụ theo quy định tại điểm a, b, c khoản 4 Điều 107 Luật Hợp tác xã. Thực hiện việc công khai thông tin sổ ghi chép về việc đóng góp của thành viên và các thông tin khác theo quy định của hợp đồng hợp tác. Thực hiện chế độ báo cáo, cập nhật thông tin về tình hình hoạt động của tổ hợp tác theo quy định của pháp luật.
Khoản 3 Điều 15 Nghị định số 77/2019/NĐ-CP về xử lý tài sản chung của các thành viên tổ hợp tác, tài chính của tổ hợp tác khi chấm dứt hoạt động được sửa đổi như sau: Đối với các tài sản chung hình thành từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước hoặc được tài trợ, tặng, cho hợp pháp bởi cá nhân, tổ chức khác mà theo yêu cầu của Nhà nước hoặc bên tài trợ, tặng, cho, tổ hợp tác không có quyền định đoạt phần tài sản này thì khi chấm dứt hoạt động, tổ hợp tác thực hiện như sau:
Bàn giao các tài sản chung hình thành từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước cho Ủy ban nhân dân nơi cấp Giấy chứng nhận đăng ký tổ hợp tác để xử lý theo quy trình xử lý quỹ chung không chia, tài sản chung không chia của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có nguồn hình thành từ hỗ trợ của Nhà nước quy định tại Điều 21 Nghị định số 113/2024/NĐ-CP ngày 12/9/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã.
Trường hợp tổ hợp tác có tài sản chung hình thành từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước trước ngày Luật Hợp tác xã số 17/2023/QH15 có hiệu lực thi hành, tổ hợp tác bàn giao các tài sản chung hình thành từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước cho Ủy ban nhân cấp huyện nơi có địa chỉ giao dịch của tổ hợp tác để xử lý theo quy trình xử lý quỹ chung không chia, tài sản chung không chia của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có nguồn hình thành từ hỗ trợ của Nhà nước quy định tại Điều 21 Nghị định số 113/2024/NĐ-CP. Tài sản chung được tài trợ, tặng, cho hợp pháp bởi cá nhân, tổ chức khác được xử lý theo thỏa thuận giữa cá nhân, tổ chức tài trợ, tặng, cho với tổ hợp tác.
Điều 24 Nghị định số 77/2019/NĐ-CP về phần đóng góp của thành viên tổ hợp tác được sửa đổi như sau: Phần đóng góp của một thành viên tổ hợp tác gồm phần vốn góp theo quy định tại khoản 12 Điều 4 Luật Hợp tác xã và mức độ góp sức lao động theo quy định tại khoản 10 Điều 4 Luật Hợp tác xã của thành viên đó đã đóng góp hoặc cam kết đóng góp vào tổ hợp tác.
Việc xác định phần vốn góp và mức độ góp sức lao động của thành viên tổ hợp tác góp vào tổ hợp tác do các thành viên tổ hợp tác tự thỏa thuận hoặc do bên thứ ba xác định theo sự ủy quyền của 100% tổng số thành viên tổ hợp tác. Trường hợp thành viên tổ hợp tác cam kết đóng góp không góp đủ và không đúng hạn phần đóng góp đã cam kết thì xử lý theo quy định tại hợp đồng hợp tác và quy định của pháp luật dân sự.
Khoản 6 Điều 29 Nghị định số 77/2019/NĐ-CP về chế độ báo cáo định kỳ và quản lý nhà nước về tổ hợp tác được sửa đổi như sau: Tổ hợp tác đã đăng ký tại cơ quan đăng ký kinh doanh thì không thực hiện chế độ báo cáo đến Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định tại khoản 1 Điều này.
Thế Dương