Nội dung tuyên truyền biển, đảo và biên giới đất liền năm 2025
Ngày 12/02/2025, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành Hướng dẫn số 06/HDMTTQ-BTT và Hướng dẫn số 07/HDMTTQ-BTT HNDTW về công tác tuyên truyền biển, đảo và biên giới đất liền năm 2025; nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức trong đội ngũ cán bộ, hội viên nông dân về vị trí, vai trò của biển, đảo Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; quan điểm, chủ trương, chính sách của Việt Nam trong giải quyết các vấn đề liên quan đến biển, đảo phù hợp với quy định của Việt Nam và pháp luật quốc tế; tích cực tham gia, hưởng ứng các hoạt động hướng về biển, đảo; nâng cao nhận thức của các cấp Hội về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc; xây dựng, quản lý đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển giữa Việt Nam với các nước láng giềng. Đẩy mạnh tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân chấp hành tốt chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác phân giới, cắm mốc và quản lý biên giới trên đất liền nhằm xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển, Ban Thường vụ Hội Nông dân Thành phố triển khai đến các cơ sở Hội một số nội dung trong công tác tuyên truyền biển, đảo và biên giới đất liền năm 2025 như sau:
1. Công tác tuyên truyền biển, đảo
– Tuyên truyền những cơ sở, chứng cứ lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề Biển Đông và mối quan hệ giữa Việt Nam với các quốc gia có liên quan trên Biển Đông.
– Tuyên truyền về vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của biển, đảo Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Thường xuyên quán triệt, triển khai thực hiện những nội dung liên quan đến biển, đảo Việt Nam được nêu trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
– Đa dạng hóa nội dung tuyên truyền biển, đảo: Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Luật Biển Việt Nam năm 2012, Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Ngày truyền thống Hải quân Nhân dân Việt Nam (5/8), Ngày truyền thống của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam (28/8); quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về biển, đảo; các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam trên biển theo luật pháp quốc tế; Bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn trên biển; Nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hóa biển, xã hội gắn bó, thân thiện với biển; Đảm bảo an ninh – quốc phòng, phát triển kinh tế biển; Chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định; Hợp tác quốc tế về những lĩnh vực liên quan đến biển, đảo… Chú trọng thông tin về những tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
– Tuyên truyền về các chính sách hậu phương quân đội; khích lệ, động viên cán bộ, chiến sĩ, nhân dân, các lực lượng bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo; khuyến khích nhân dân định cư ổn định lâu dài trên đảo, làm ăn dài ngày trên biển; tuyên truyền bồi đắp tình yêu, ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân đối với biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tổ chức các hoạt động nhằm vận động, phát huy tinh thần tích cực, chủ động của cán bộ, hội viên tham gia quyên góp thực hiện Quỹ “Vì biển đảo quê hương – Vì tuyến đầu Tổ quốc” Thành phố Hồ Chí Minh năm 2025 gắn với tuyên truyền mục đích, ý nghĩa việc bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, biển, đảo của Tổ quốc.
– Kịp thời đấu tranh, phản bác với những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, sai trái của các thế lực phản động, thù địch trong và ngoài nước về vấn đề Biển Đông và mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước có liên quan; các hoạt động khai thác trái phép, vi phạm chủ quyền quốc gia, ảnh hưởng đến quan hệ với các nước trong khu vực. Tích cực chủ động tổ chức các hoạt động trao đổi, đối thoại, đấu tranh với các cá nhân, tổ chức có nhận thức chưa đúng hoặc chưa đầy đủ về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo và phát triển kinh tế biển, đảo.
2. Tuyên truyền về công tác biên giới trên đất liền
Thông tin, tuyên truyền về các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phân giới, cắm mốc và quản lý biên giới trên đất liền; nhất là quán triệt sâu sắc về định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030 được Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra, Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới ”; Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia”; Luật Biên phòng Việt Nam, Nghị định số 106/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Biên phòng Việt Nam; các chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, của Thành ủy liên quan đến công tác biên giới trên đất liền; nội dung các văn bản pháp luật, các hiệp ước, hiệp định song phương, các Tuyên bố chung, Thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao về công tác phân giới, cắm mốc, quản lý và bảo vệ biên giới trên đất liền đến toàn thể hội viên, nông dân tại các vùng biên giới, cụ thể:
* Đối với tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc
– Tiếp tục tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa, kết quả thực hiện Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (ký ngày 30/12/1999); 03 văn kiện pháp lý về biên giới: Nghị định thư về phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc (ký ngày 18/11/2009), Hiệp định về quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc (ký ngày 18/11/2009), Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc (ký ngày 18/11/2009); tuyên truyền về kết quả 12 năm triển khai 3 văn kiện pháp lý biên giới trên đất liền giữa Việt Nam – Trung Quốc…
– Tuyên truyền về quan hệ hữu nghị, hợp tác lâu dài giữa các cấp chính quyền và nhân dân hai nước; các hoạt động hợp tác, trao đổi, giao lưu hữu nghị, nhất là các hoạt động hợp tác, trao đổi, giao lưu văn hóa -xã hội của các cấp chính quyền và nhân dân khu vực biên giới hai nước; các hoạt động, hiệu quả của mô hình kết nghĩa giữa các địa phương, cụm dân cư, bản – bản và đồn biên phòng giữa hai nước; những đóng góp, thành quả của việc quản lý tuyến biên giới đất liền hòa bình, hợp tác, hữu nghị, ổn định cùng phát triển với sự phát triển của mỗi nước cũng như khu vực; về quyết tâm và nỗ lực giải quyết các vấn đề biên giới theo phương châm “hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển” đến với nhân dân hai bên biên giới.
– Chú trọng tuyên truyền, thông tin đối ngoại, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của các địa phương khu vực biên giới trong hợp tác phát triển kinh tế, đầu tư, du lịch ở khu vực biên giới của hai nước; các hoạt động trao đổi, giao thương, hợp tác kinh tế của nhân dân khu vực biên giới; những kết quả và nỗ lực của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp nhằm nâng cao chất lượng đời sống nhân dân khu vực biên giới, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh khu vực biên giới cũng như bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch an toàn, hiệu quả.
– Tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân vùng biên giới thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biên giới trên đất liền, tham gia tự quản đường biên, cột mốc biên giới; vận động nhân dân đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật, các quy định về quản lý biên giới như: buôn người, buôn lậu, gian lận thương mại, vượt biên trái phép, nhập cảnh, lưu trú bất hợp pháp…; tuyên truyền về trách nhiệm, nghĩa vụ của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ đường biên, mốc giới. Tuyên truyền nhân rộng các tấm gương điển hình tiên tiến trong công tác giữ gìn, bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự và phát triển kinh tế – xã hội khu vực biên giới; nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, kịp thời xử lý các vấn đề mới phát sinh.
– Tuyên truyền đấu tranh, phản bác các quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch, các luận điệu xuyên tạc, lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, chủ quyền biên giới quốc gia nhằm kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước.
* Đối với tuyến biên giới Việt Nam – Lào
– Tiếp tục tuyên truyền về ý nghĩa lịch sử, lợi ích của việc xây dựng và quản lý hiệu quả tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định cùng phát triển; việc thực thi có hiệu quả các văn bản pháp lý liên quan đến công tác biên giới giữa hai nước như: Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới; Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền; Thỏa thuận về Chiến lược hợp tác Việt Nam – Lào giai đoạn 2021 – 2030 và Hiệp định hợp tác Việt Nam – Lào giai đoạn 2021 – 2025; Đề án Quy hoạch và phát triển cửa khẩu biên giới Việt Nam – Lào giai đoạn 2020 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch hợp tác hàng năm giữa hai chính phủ và kết quả các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước.
– Tuyên truyền việc tiếp tục đổi mới triệt để và nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác giữa hai nước, nhất là về kinh tế để phù hợp với thông lệ quốc tế; các chính sách ưu đãi khuyến khích hội viên, nông dân hai nước kinh doanh, sản xuất, đầu tư vào các lĩnh vực mà hai bên có tiềm năng và thế mạnh.
– Tăng cường tuyên truyền, thông tin đối ngoại về quan hệ hữu nghị, truyền thổng tốt đẹp, gắn bó thủy chung giữa hai dân tộc Việt Nam và Lào, các hoạt động trao đổi, hợp tác, giao lưu văn hóa – xã hội hai nước; đồng thời, khẳng định sự quan tâm, ủng hộ, tình cảm gắn bó thủy chung giữa Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam với Đảng, Chính phủ và nhân dân Lào; đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề biên giới, lãnh thổ, dân tộc, tôn giáo hòng chia rẽ tình đoàn kết đặc biệt giữa Nhân dân hai nước.
* Đối với tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia
– Tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta trong việc giải quyết vấn đề biên giới Việt Nam – Campuchia trên cơ sở quan hệ láng giềng, đoàn kết, hữu nghị, phù họp với luật pháp và thông lệ quốc tế. Tập trung tuyên truyền ý nghĩa, tầm quan trọng của việc ký kết các văn bản pháp lý, công nhận thành quả 84% công tác phân giới, cắm mốc trên thực địa và công tác quản lý tuyến biên giới theo các văn bản đã ký kết.
– Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nội dung, ý nghĩa của các văn bản pháp lý song phương; trong đó, đặc biệt tập trung tuyên truyền sâu rộng nội dung hai văn kiện pháp lý quan trọng hai quốc gia thông qua là: (1) Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia; (2) Nghị định thư phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền giữa nước Công hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia (ký ngày 05/10/2019). Tăng cường tuyên truyền, thông tin đối ngoại về quan hệ hữu nghị, truyền thống tốt đẹp và các hoạt động hợp tác, trao đổi, giao lưu hữu nghị giữa Nhân dân hai nước Việt Nam và Campuchia, nhất là Nhân dân hai bên biên giới; về những thành quả đã đạt được trong công tác phân giới, cắm mốc, quản lý biên giới trên đất liền; về quyết tâm và nỗ lực giải quyết các vấn đề biên giới theo phương châm “hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển”.
– Kịp thời thông tin, tuyên truyền, giải thích rõ một số vấn đề phức tạp, nhạy cảm liên quan đến công tác phân giới, cắm mốc, việc giao lưu phát triển kinh tế giữa hai biên giới… để tạo được sự đồng thuận cao trong Nhân dân. Chủ động đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc sự thật lịch sử quan hệ giữa hai nước; các biểu hiện tiêu cực, các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, lợi dụng việc triển khai 02 văn kiện pháp lý về biên giới để tuyên truyền kích động chống phá quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai dân tộc Việt Nam – Campuchia.
– Tuyên truyền các hoạt động phối hợp giữa Hội Nông dân Thành phố với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội Thành phố về các hoạt động hướng về biên giới Việt Nam, tăng cường tuyên truyền thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống, ngăn chặn mọi hoạt động xuất nhập cảnh trái phép qua các đường mòn, lối mở khu vực biên giới Việt Nam – Campuchia.
Văn Tài