Nông Dân Cần Biết

Phát triển tam nông ở TP HCM (*): Giúp nông dân phát huy lợi thế

Bà Nguyễn Thanh Xuân, Chủ tịch Hội Nông dân TP HCM

– Bà NGUYỄN THANH XUÂN: Đại hội đại biểu Đảng bộ TP HCM lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã nêu rõ định hướng phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, bền vững gắn với chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Theo đó, TP HCM sẽ tập trung vào phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp đô thị. UBND TP HCM đã ban hành nhiều chính sách đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp; tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất giống cây, con với chất lượng và năng suất cao, từng bước hình thành trung tâm giống cây, con của khu vực; phát triển khoa học – công nghệ, nông nghiệp công nghệ cao gắn với đào tạo nguồn nhân lực để tận dụng tốt cơ hội của cuộc cách mạng công nghệ 4.0…

Khách tham quan gian hàng tại một hội chợ do Hội Nông dân TP HCM tổ chức .Ảnh: AN NA

Nông dân TP HCM mạnh dạn đầu tư chuyển đổi mô hình theo hướng nông nghiệp đô thị, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu của thị trường. Mô hình “Nông dân khá giúp nông dân khó” được phát huy hiệu quả; các CLB Nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi tích cực chăm lo, hỗ trợ hội viên và người dân có hoàn cảnh khó khăn ổn định đời sống, vươn lên phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập thông qua hỗ trợ vốn không lãi suất, hỗ trợ cây – con giống, công cụ sản xuất, vật tư…

Bên cạnh đó, đã có 56/56 xã được UBND TP HCM công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn nâng chất; 5/5 huyện được Thủ tướng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

.Hội Nông dân TP HCM có những hoạt động gì để giúp nông dân thành phố phát huy được lợi thế, nâng cao năng lực cạnh tranh và làm giàu ngay trên mảnh đất của mình?

– Chúng tôi tiếp tục phát huy mạnh mẽ một số phong trào thi đua như phong trào nông dân thi đua sản xuất – kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; phong trào vận động nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể. Bên cạnh đó, tổ chức đào tạo nghề, tập huấn, phối hợp chuyển giao khoa học kỹ thuật, khoa học – công nghệ gắn với hỗ trợ vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, nguồn ủy thác từ ngân hàng chính sách xã hội và nguồn vốn ưu đãi khác của TP HCM.

Đồng thời, phát huy hiệu quả Đề án “Nâng cao đời sống kinh tế của nông dân gắn với hoạt động du lịch nông nghiệp, phát triển nông thôn mới giai đoạn 2022 – 2025 trên địa bàn TP HCM”. Ngoài ra, đề án đưa nông dân đi tham quan, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm tại các tỉnh, thành trong nước và nước ngoài, giai đoạn 2022 – 2025 đang trình UBND TP HCM.

Tiếp tục đẩy mạnh thi đua thực hiện tiêu chí người nông dân mới TP HCM: yêu nước – gương mẫu, năng động – sáng tạo, đoàn kết – nghĩa tình gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy truyền thống cách mạng, ý chí tự lực, tự cường vươn lên trong hội viên.

.Nông dân TP HCM gặp những vướng mắc nào trong việc phát triển nông nghiệp. Hội Nông dân TP HCM có những đề xuất, kiến nghị gì để tháo gỡ?

– Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của TP HCM là một trong những giải pháp giúp nông dân làm giàu với 66 sản phẩm đạt chất lượng từ 3 sao trở lên đã được UBND TP HCM công nhận. Chương trình đã mở rộng thêm đến địa bàn TP Thủ Đức và sắp tới sẽ bổ sung một số quận. Tuy nhiên, TP Thủ Đức và các quận hiện chưa thành lập hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tương đương cấp huyện và cũng chưa cơ cấu Hội Nông dân TP HCM trong thành phần hội đồng. Điều này gây khó khăn cho hội trong tuyên truyền, vận động hội viên trực tiếp sản xuất và vận động HTX nông nghiệp đăng ký sản phẩm OCOP.

Một vướng mắc lớn khác là TP HCM chưa quy hoạch hoàn chỉnh các vùng sản xuất nông nghiệp nên ảnh hưởng đến tâm lý của nông dân trong việc đầu tư. Đồng thời, việc mở rộng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cũng gặp nhiều khó khăn do vướng các quy định pháp lý về xây dựng công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp.

Đáng chú ý, một số chính sách ưu đãi cho nông nghiệp trên địa bàn TP HCM đã hết hiệu lực, chẳng hạn Quyết định 655/2018 của UBND TP HCM về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị. Hội Nông dân kiến nghị UBND TP HCM sớm ban hành và triển khai thực hiện các nội dung trên.

.Thưa bà, với tốc độ đô thị hóa cao như hiện nay, định hướng phát triển tam nông tại TP HCM trong thời gian tới cần lưu ý điều gì?

– Với tốc độ đô thị hóa cao, diện tích đất sản xuất nông nghiệp tại TP HCM sẽ ngày càng bị thu hẹp, nông dân cũng có xu hướng chuyển đổi ngành nghề. Tuy nhiên, TP HCM vẫn tập trung phát triển theo đúng định hướng được đưa ra tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TP HCM lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Cụ thể, tập trung thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp giai đoạn 2019 – 2025 theo hướng cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp; thực hiện Chương trình phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2020 – 2030. Phát triển khoa học – công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong nông nghiệp; phát triển nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái, phát triển sản xuất và bảo vệ môi trường, mở rộng và thúc đẩy hỗ trợ phát triển sản xuất giống của TP HCM…

Tiếp tục phát huy vai trò trung tâm của kinh tế tập thể, xây dựng chuỗi liên kết nông – lâm – thủy sản; xúc tiến quảng bá thương hiệu, cung ứng cho tiêu dùng nội địa, xuất khẩu; bảo đảm an toàn thực phẩm; tạo sự phát triển ổn định và bền vững. Triển khai, thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa và OCOP trên địa bàn vùng nông thôn TP HCM giai đoạn 2021 – 2025… 

NGỌC ÁNH

NGUỒN: NLD.COM.VN

Chủ đề liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button