Nông Dân Cần Biết

Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh

Hướng dẫn công tác phòng cháy, chữa cháy

Thời gian gần đây, tình hình cháy, nổ đang có diễn biến phức tạp trên cả nước và tại thành phố Hồ Chí Minh, nhiều vụ cháy nghiêm trọng, gây thiệt hại về người và tài sản; nguy cơ cháy, nổ ngày càng phức tạp, tiềm ẩn ở mức độ cao, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, nhất là tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, kho hàng, khu dân cư, chung cư, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, những hộ gia đình vừa kinh doanh, sản xuất vừa làm nơi ở.

Nhằm tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng chóng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố, nâng cao vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền chủ động phòng ngừa cháy, nổ, hạn chế thấp nhất thiệt hại, bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhân dân, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu:

1. Các cấp ủy, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội

1.1. Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm, có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đảm bảo thực chất, toàn diện; việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy là một trong các tiêu chí đánh giá chất lượng của tổ chức cơ sở đảng, cơ quan, đơn vị, đoàn thể; người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản trong phạm vi lãnh đạo, quản lý của mình.

Tập trung chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chức năng theo thẩm quyền thực hiện có hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành theo đúng tinh thần Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.

Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân thực hiện các quy định về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ với quan điểm “Phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân, lực lượng tại chỗ, kịp thời xử lý nhanh, hiệu quả; ngăn chặn và không để xảy ra cháy gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người”; đổi mới về nội dung, hình thức, phương pháp công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, các biện pháp, kỹ năng phòng cháy, thoát nạn và xử lý các tình huống khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

Nêu cao trách nhiệm của các cấp ủy trong việc lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, giám sát, hướng dẫn khu dân cư, các cơ sở, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn về phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật; đồng thời, phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong việc giám sát công tác quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố.

1.2. Các quận ủy, huyện ủy và Thành ủy Thủ Đức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng đến các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên và Nhân dân thực hiện tốt các giải pháp về phòng cháy, chữa cháy tại địa bàn bằng nhiều hình thức, cách thức phù hợp; chú trọng phát huy vai trò của người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền thực hiện. Xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai thành lập Trung tâm giáo dục cộng đồng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nhằm thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn các kỹ năng, phương pháp về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho Nhân dân.

Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra và khắc phục ngay các vi phạm về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn, nhất là đối với các khu dân cư có mật độ dân số cao, có hệ thống giao thông nhỏ, hẹp, các cao ốc, nhà cao tầng, chung cư, chung cư cũ, các khu vực phòng trọ phục vụ lưu trú của công nhân, người lao động, các khu vực nhà ở kết hợp với sản xuất – kinh doanh…

Thực hiện kiểm tra, tự kiểm tra công tác lãnh đạo của các cấp ủy, chỉ đạo của chính quyền khi xảy ra vụ cháy nhất là các vụ cháy lớn, nghiêm trọng trên địa bàn, đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi thiếu trách nhiệm, vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy (nếu có); kịp thời báo cáo tình hình, kết quả cho Thường trực Thành ủy (thông qua Ban Nội chính Thành ủy).

2. Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố

Chỉ đạo chính quyền các địa phương, sở, ban – ngành thành phố tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố; chủ động nghiên cứu xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ số 55/2024/QH15 và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành; quan tâm tăng cường mua sắm các thiết bị, phương tiện phòng cháy, chữa cháy hàng năm của cơ quan, đơn vị, phường, xã đáp ứng và phù hợp với đặc điểm tình hình, địa bàn, đặc thù đô thị như xe chữa cháy mini, thang dây, thang bộ, trang bị cho đội phòng cháy, chữa cháy tại địa phương; khuyến khích sử dụng xe chữa cháy mini để hỗ trợ việc chữa cháy ban đầu trong các hẻm nhỏ, chật hẹp khi xe chữa cháy chuyên nghiệp chưa tới kịp.

Tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế cháy lớn, nghiêm trọng; kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy; thực hiện nghiêm việc tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động những cơ sở vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy theo luật định; xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị buông lỏng quản lý để xảy ra các vụ cháy, nổ nghiêm trọng. Tăng cường công tác rà soát, đánh giá, xử lý đối với các cơ sở chưa thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với các công trình vi phạm về trật tự xây dựng, công trình chưa được thẩm định, phê duyệt, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy nhưng đã đưa vào hoạt động; các cơ sở không đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải khắc phục đầy đủ các điều kiện trước khi hoạt động.

Chỉ đạo tăng cường thường xuyên kiểm tra phòng cháy, chữa cháy đối với các công ty, doanh nghiệp, nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh (bao gồm nhà ở cho thuê trọ). Nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện. Chỉ đạo ngành điện lực đảm bảo an toàn tuyệt đối phòng cháy và chữa cháy đối với các công trình, hệ thống điện.

Chỉ đạo thường xuyên tổ chức và nâng cao chất lượng công tác tập huấn, diễn tập, thực tập các phương án, tình huống xử lý sự cố cháy, nổ và cứu nạn, cứu hộ có huy động nhiều lực lượng tham gia; hướng dẫn thoát nạn, kỹ năng cảnh báo khi có sự

cố xảy ra; thực hiện nghiêm túc phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ), nòng cốt là lực lượng an ninh cơ sở, lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở và lực lượng chữa cháy chuyên ngành.

3. Đảng ủy Công an thành phố lãnh đạo Công an thành phố

Tiếp tục thực hiện các giải pháp, cụ thể hóa lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Chủ động tham mưu tổ chức triển khai thực hiện Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành; trong đó, tập trung tham mưu rà soát, hướng dẫn các giải pháp tháo gỡ những quy định bất cập, không phù hợp thực tiễn, gây cản trở, khó khăn trong công tác phòng cháy, chữa cháy cũng như khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong các quy định về quản lý Nhà nước đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh (bao gồm cả nhà ở cho thuê trọ).

Tiếp tục xây dựng một cách đồng bộ và thực hiện nghiêm các quy hoạch hạ tầng phòng cháy, chữa cháy gắn với quy hoạch ngành, lĩnh vực, địa phương và mạng lưới giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, đảm bảo đúng quy trình vận hành và chủ động tuyên truyền, vận động quần chúng Nhân dân, học sinh, sinh viên tham gia trải nghiệm các hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại Trung tâm giáo dục cộng đồng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thành phố. Tập trung hướng dẫn các quận, huyện và thành phố Thủ Đức triển khai thành lập Trung tâm giáo dục cộng đồng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nhằm phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục các kỹ năng, phương pháp về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Thực hiện tốt công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình, tổ chức khảo sát, kiểm tra, giám sát các chuyên đề, chuyên sâu đối với những đối tượng, loại hình hoạt động, địa bàn, khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao (như: điện, xăng dầu, hóa chất, nhà cao tầng, khu dân cư, chợ, trung tâm thương mại…) và thường xuyên kiểm tra địa bàn, chú trọng các khu dân cư có mật độ dân số cao, chung cư, chung cư cũ, các khu vực phòng trọ công nhân, người lao động, các khu vực nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh…; xử lý nghiêm các hành vi không đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Tổ chức rà soát, phân loại hướng dẫn các giải pháp bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh (bao gồm nhà ở cho thuê trọ).

Tăng cường công tác thường trực sẵn sàng chiến đấu, duy trì tốt công tác trực ban, trực chiến, sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để tham gia chữa cháy ngay từ thời điểm mới phát sinh, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ xảy ra. Thường xuyên rà soát, tổ chức thực tập các phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với các loại hình, cơ sở, trong đó dự kiến các tình huống phức tạp, tổ chức cứu nạn, cứu hộ.

Chỉ đạo Công an các quận, huyện và Thành phố Thủ Đức tham mưu cấp ủy, chính quyền đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức, hướng dẫn kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho người dân, chú trọng tại các cơ sở nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao bằng nhiều hình thức khác nhau như tuyên truyền lưu động, phát thanh, bảng tin trong khu dân cư, tăng thời lượng phát sóng, ưu tiên phát trên các khung giờ nhiều người theo dõi và trên các nền tảng mạng xã hội. Phân công các tổ công tác trực tiếp hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá tiến độ việc khắc phục các tồn tại vi phạm về phòng cháy, chữa cháy đối với 07 loại hình cơ sở do Công an cấp xã quản lý đảm bảo thống nhất, đồng bộ và chặt chẽ trong quá trình triển khai thực hiện. Thực hiện việc đăng ký chỉ tiêu kiểm tra, hướng dẫn cơ sở khắc phục các tồn tại vi phạm về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo 04 nhóm giải pháp đối với nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy nổ cao. Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện phong trào “Nhà tôi 03 có” (có thiết bị báo cháy, có mặt nạ phòng độc, có lối thoát nạn thứ 2). Tiếp tục thành lập mới, rà soát, đánh giá, duy trì, phát huy hiệu quả mô hình “Tổ liên gia – Điểm chữa cháy công cộng” trên địa bàn quản lý nhằm tăng cường phối hợp, hỗ trợ giữa các hộ gia đình, cơ quan, doanh nghiệp để tạo ra một mạng lưới an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

4. Ban Tuyên giáo Thành ủy

Chỉ đạo các cơ quan báo chí thành phố tăng cường tuyên truyền, tăng thời lượng phát sóng phổ biến kiến thức, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ; tăng cường đưa tin, hình ảnh các gương điển hình trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn. Chỉ đạo hệ thống tuyên giáo các cấp phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

5. Ban Dân vận Thành ủy

Chủ trì, phối hợp Đảng ủy Công an thành phố, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, vận động quần chúng và triển khai các mô hình “Dân vận khéo” trong việc phát huy vai trò của Nhân dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

6. Ban Nội chính Thành ủy

Phối hợp với Đảng ủy Công an thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan theo dõi, đôn đốc và kịp thời tham mưu báo cáo Thường trực Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo theo thẩm quyền./.

Thế Dương

Chủ đề liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button