Tư Vấn Pháp Luật

Việc sửa đổi Luật Đất đai sẽ tác động trực tiếp đến đời sống của hội viên, nông dân

Các đại biểu tham dự hội nghị

Sáng 28/2, Hội Nông dân TPHCM tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật đất đai (sửa đổi). Đến dự có Thành ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Văn Thị Bạch Tuyết. Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, các quy định nêu trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần chỉnh sửa cho phù hợp với tình hình thực tế, tạo điều kiện thuận cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời tính toán xu hướng phát triển nông nghiệp để có quy định kịp thời.

Huy động trí tuệ, tâm huyết của tập thể cán bộ, hội viên nông dân

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM Nguyễn Thanh Xuân cho biết, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là đạo luật quan trọng, tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh của đất nước nói chung và của từng bộ, ngành, địa phương nói riêng. Đặc biệt, là đối với ngành nông nghiệp bởi đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt quan trọng, việc sửa đổi Luật Đất đai sẽ tác động trực tiếp đến đời sống của hội viên, nông dân. Chính vì vậy, việc sửa đổi Luật Đất đai cần có sự tham gia góp ý của nhiều ngành, nhiều cấp, trong đó có giai cấp nông dân.

Đồng chí Nguyễn Thanh Xuân nhấn mạnh, Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) có ý nghĩa rất quan trọng nhằm huy động trí tuệ, tâm huyết của tập thể cán bộ, hội viên nông dân, nhà khoa học trên địa bàn TP tham gia, đóng góp ý kiến, góp phần hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bảo đảm chất lượng, khoa học, khả thi, đồng bộ và hiệu quả; phản ánh ý chí, nguyện vọng của cán bộ, hội viên, nông dân TPHCM.

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là nội dung điểm 9, Điều 10 quy định về đất nông nghiệp khác gồm đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, kể cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất; đất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm, thực nghiệm; đất ươm tạo cây giống, con giống và đất trồng hoa, cây cảnh; nhà nghỉ, lán, trại cho người lao động trong cơ sở sản xuất nông nghiệp; đất xây dựng kho và nhà để chứa nông sản, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, máy móc, công cụ gắn liền với khu sản xuất nông nghiệp và đất công trình khác trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp mà không nhằm mục đích phi nông nghiệp.

Nhiều đại biểu kiến nghị, cần có quy định cụ thể, rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi khi người dân xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp như: nhà kính, nhà kho… Là người trực tiếp sản xuất nông nghiệp, ông Nguyễn Văn Hào, TP Thủ Đức đề nghị, khi chuyển đất lúa sang đất khác để xây dựng các công trình phục vụ phát triển nông nghiệp phải đơn giản, vì để phát triển sản xuất nông nghiệp cần có nhà chế biến, nhà kho… Đất xây dựng nhà chế biến phục vụ sản xuất nông nghiệp cần được coi là đất nông nghiệp, không phải đất xây dựng nhà ở.

Liên quan nội dung của Điều 10, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân TP Đoàn Văn Thanh cho rằng, hiện nay người nông dân muốn xây dựng nhà yến phải chuyển đích sang đất ở và xin chuyển mục đích sử dụng rất tốn kém. Trong khi nuôi yến là thuộc ngành chăn nuôi. Nhiều tỉnh, thành đã nuôi yến, cơ cấu ngành này trong nông nghiệp ngày càng tăng. Vì vậy nên có quy định rõ không cần chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với diện tích xây nhà yến.

Đại biểu phát biểu tại hội nghị.

Cần quy định cho sát thực tiễn

Góp ý cho nội dung Điều 49 và Điều 51 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Thạnh (huyện Hóc Môn) Lê Tấn Cường cho biết, theo nội dung tại Điều 49 chỉ tổ chức kinh tế được chuyển nhượng đất nông nghiệp khi có phương án sử dụng đất nông nghiệp được UBND cấp chấp thuận. “Như vậy, cá nhân không được chuyển nhượng. Nên thêm đối tượng là cá nhân, hộ gia đình trong nội dung này” – ông Lê Tấn Cường đề xuất.

Đối với Điều 51 quy định, đối với cá nhân sử dụng đất nông nghiệp do được nhà nước giao đất, do chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, được tặng cho quyền sử dụng đất hợp pháp từ người khác thì chỉ được chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trong cùng xã, phường, thị trấn hoặc xã, phường, thị trấn giáp ranh trong cùng một huyện cho cá nhân khác. Theo ông Lê Tấn Cường, thực tế rất nhiều người nông dân có con sinh sống tại các quận, huyện ở xa nơi có đất sản xuất nông nghiệp và cũng không làm nông nghiệp. Như vậy, bố mẹ sẽ không chuyển nhượng được cho con mình.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP đề xuất, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần xem xét, tính toán đề cập đến tại đô thị có thể phát triển nông nghiệp đô thị. Trong đó, khu vực đô thị có khu đất xây nhà cao tầng làm nông nghiệp. Việc phát triển nông nghiệp theo hướng này sẽ tạo cảnh quan đô thị và kích thích các ngành khác phát triển, đặc biệt du lịch. Trong quy định cần nghiên cứu ghi rõ nội dung này.

Tại hội nghị, một số ý kiến cho rằng, đối với cấp chứng nhận quyền sử dụng đất cho cộng đồng sử dụng (đình, đền,…) cần có quy định rõ sát với tình hình thực tế. Bên cạnh đó, chất lượng quy hoạch kế hoạch sử dụng đất chưa cao nên còn tình trạng quy hoạch treo; phải nâng cao quy hoạch sử dụng đất của quốc gia và các địa phương. Bên cạnh đó, cần quy định cụ thể với nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái…

S. Hải

NGUỒN: THANHUYTPHCM.VN

Chủ đề liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button