Sài Gòn – Gia Định góp phần tạo và nắm thời cơ chiến lược….
11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975, xe tăng thuộc Lữ đoàn 203, Quân đoàn 2 húc đổ cổng chính và tiến chiếm Dinh Độc Lập, bắt sống toàn bộ Ngụy quyền trung ương, buộc chúng tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta
11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta toàn thắng. Đó là một mốc son chói lọi trong cuộc chống Mỹ, cứu nước, trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam; một dấu ấn đặc biệt ngày càng rực rỡ trong lịch sử của Sài Gòn – Gia Định – Thành phố Hồ Chí Minh. Sài Gòn – Gia Định tự hào vì không những là nơi diễn ra trận quyết chiến chiến lược – Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mà Đảng bộ và nhân dân nơi đây đã góp phần hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định vào thắng lợi của cả dân tộc.
Thắng lợi vĩ đại của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1975 không những có ý nghĩa vô cùng to lớn mà còn để lại những bài học kinh nghiệm quý báu về nhiều lĩnh vực, trong đó có bài học về tạo thời cơ và nắm thời cơ chiến lược. Bài học này không chỉ có ý nghĩa trong lĩnh vực quân sự mà còn rất cần để suy ngẫm trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở Thành phố ngày nay.
Vấn đề thời cơ và thời cơ chiến lược trong chiến tranh đã được bàn luận nhiều trong nghệ thuật quân sự, nhất là về giải quyết mối quan hệ giữa lực, thế và thời. Nhà chiến lược quân sự thiên tài Hồ Chí Minh trong bài thơ “Học đánh cờ” đã có những chỉ dẫn hết sức khoa học và ngắn gọn về lực, thế và thời. Người khẳng định “Gặp thời một tốt cũng thành công”.
Trong cả hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, khi khởi đầu chiến tranh, kẻ địch hơn hẳn chúng ta về lực lượng và sức mạnh quân sự. Khởi đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, nhiều người còn cho rằng so sánh lực lượng giữa ta và thực dân Pháp chẳng khác nào “châu chấu đá voi”. Vậy mà kết cục, Việt Nam đã thắng, mà thắng oanh liệt với Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu! Bước vào cuộc chống Mỹ, cứu nước, so sánh lực lượng còn gia tăng hơn nữa sự chênh lệch vì đế quốc Mỹ có tiềm lực kinh tế quân sự đứng đầu thế giới, và trên thực tế họ chưa từng thất bại trong cuộc chiến tranh nào. Thực tiễn đó cho thấy rõ ràng để có thời cơ và tận dụng thời cơ, nhất là thời cơ chiến lược, không chỉ có nắm thời cơ, mà còn phải biết và có khả năng tạo ra thời cơ. Ngược lại, khi thời cơ đã xuất hiện phải biết nắm và có khả năng biến thời cơ thành hiện thực. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1975 là kết quả thắng lợi của Đảng và nhân dân Việt Nam trong suốt 30 năm kháng chiến chống ngoại xâm mà trực tiếp là 21 năm chống Mỹ, cứu nước.
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, chúng ta có miền Bắc được giải phóng, đi lên chủ nghĩa xã hội, ngày càng hoàn thành xuất sắc vai trò hậu phương lớn của cách mạng cả nước. Nhưng ở miền Nam, lực lượng cách mạng bị dìm trong biển máu, buộc phải ở trong thế giữ gìn lực lượng. Chính trong hoàn cảnh đó phong trào Đồng Khởi nổ ra và thắng lợi. Ngay ở Sài Gòn – Gia Định lúc đó, mặc dù không có điều kiện giống như các địa phương khác ở Nam Bộ, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân vận dụng sáng tạo, tổ chức đồng khởi mạnh mẽ ở nông thôn vùng ven, chủ yếu là ở Gia Định, kết hợp với phát động phong trào đấu tranh chính trị ở nội thành Sài Gòn. Thắng lợi của Đồng Khởi đã chuyển cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, làm lung lay cả hệ thống chính quyền của Ngô Đình Diệm – tay sai của đế quốc Mỹ. Không thể để chế độ tay sai của chủ nghĩa thực dân mới sụp đổ, Mỹ đã đưa cố vấn quân sự và trang bị hiện đại vào miền Nam, tổ chức lại hệ thống chính quyền tay sai và nhất là tăng cường lực lượng của quân đội Sài Gòn trong cuộc “chiến tranh đặc biệt”. Như vậy, Đồng Khởi là thắng lợi to lớn, nhưng trong điều kiện tương quan so sánh lực lượng lúc đó chưa thể đưa đến thời cơ chiến lược cho một cuộc tổng khởi nghĩa.
Tình thế đó buộc chúng ta phải tiến hành chiến tranh cách mạng. Cùng với sự phát triển của lực lượng chính trị ngày càng hùng hậu ở khắp miền Nam và ngay tại trung tâm đầu não của địch là Sài Gòn, lực lượng vũ trang ba thứ quân được tổ chức và phát triển mạnh mẽ, làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc. Sau hàng loạt những trận đánh thắng ở tầm chiến thuật, quân và dân miền Nam đã thực hiện những chiến dịch tiến công thắng lợi, mở đầu là chiến dịch Bình Giã, không những giải phóng một vùng rộng lớn ở Đông Nam Bộ, sát nách Sài Gòn, mà còn tiêu diệt một bộ phận lực lượng cơ động chiến lược của địch, báo hiệu “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ sẽ thất bại. Sau Bình Giã, chúng ta đã thấy cần phải khẩn trương tổ chức những lực lượng quân sự quy mô lớn, tạo nên những cú đấm chủ lực trên chiến trường, hỗ trợ đắc lực cho lực lượng chính trị và đấu tranh chính trị của quần chúng.
Về phía Mỹ, dù đã tăng cường quân viễn chinh đến mức cao nhất cùng với quân đội Sài Gòn đông đảo, Mỹ không thể xoay chuyển giành lại thế chủ động trên chiến trường trước sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng chính trị quân sự của chiến tranh nhân dân Việt Nam. Ngay tại Sài Gòn – Gia Định, quân và dân ta đã đập tan những cuộc phản công chiến lược quy mô lớn của chính lính viễn chinh Mỹ đánh vào khu vực Tam giác sắt, trọng tâm là Củ Chi trong hai mùa khô 1965 – 1966 và 1966 – 1967.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 nổ ra vào thời điểm mọi cố gắng của Mỹ ở mức đỉnh điểm. Quân và dân ta đã đồng loạt tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam, nhất là các thành phố, thị xã. Ngay tại Sài Gòn, lực lượng vũ trang biệt động đã anh dũng, mưu trí, sáng tạo đánh thẳng những mục tiêu trọng yếu của địch ngay ở trung tâm thành phố, đặc biệt là Dinh Độc lập và Tòa Đại sứ Mỹ. Cuộc tiến công Mậu Thân không những gây bất ngờ cho giới quân sự trên chiến trường mà còn rung động cả chính trường Mỹ, buộc họ phải ngồi vào bàn đàm phán mong có thể tìm thấy con đường rút lui trong danh dự. Chấp nhận đàm phán là một thất bại về chính trị, nhưng Mỹ vẫn gia tăng hoạt động quân sự trên các chiến trường, đặc biệt là sử dụng lực lượng không quân chiến lược ném bom rải thảm vào Hà Nội, gây áp lực buộc Việt Nam phải chấp nhận điều kiện của Mỹ trên bàn đàm phán. Cùng với những thắng lợi trên chiến trường miền Nam, trận Điện Biên Phủ trên bầu trời Hà Nội đã buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris, rút quân khỏi miền Nam Việt Nam.
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã kết thúc thắng lợi 30 năm kháng chiến kiên cường, bất khuất vì độc lập, thống nhất đất nước – thể hiện ý chí, bản lĩnh và trí tuệ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta; mở ra một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập và giàu mạnh. (Ảnh: Nhân dân Sài Gòn tưng bừng chào đón đoàn quân chiến thắng, ngày 30 tháng 4 năm 1975)
Cùng với tăng cường đấu tranh ngoại giao, vạch mặt bản chất hiếu chiến của Mỹ và chế độ Sài Gòn, cô lập chúng trên trường quốc tế và ngay trên đất Mỹ, thực tế ở Sài Gòn – Gia Định lúc đó cũng cho thấy rằng sự suy sụp của chính quyền Sài Gòn là xu thế tất yếu. Chính vì vậy, sau những tổn thất và ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh, Quốc hội Mỹ đã bác bỏ yêu sách tăng viện trợ cho chính quyền và quân đội Sài Gòn. Điều này cho thấy chính quyền Mỹ khó thể can thiệp sâu hơn vào chiến tranh Việt Nam, nhất là về quân sự. Cùng với việc mở rộng, củng cố các vùng giải phóng ở những địa bàn trọng yếu, nhất là Bắc Quảng Trị, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, phát triển mạnh lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang địa phương, cho đến đầu 1975, chúng ta đã xây dựng 4 quân đoàn chủ lực và một đơn vị tương đương cấp quân đoàn. Đó là những quả đấm chủ lực sẵn sàng cùng toàn quân, toàn dân đập tan khả năng chống trả của địch khi thời cơ đến.
Ngày 25/3/1975, Bộ Chính trị họp và nhận định: “Thời cơ chiến lược lớn đã tới. Trong suốt 20 năm chống Mỹ, cứu nước chưa bao giờ thuận lợi bằng lúc này; do đó cần nắm vững thời cơ chiến lược mới, tranh thủ thời gian cao độ, nhanh chóng tập trung lực lượng vào hướng chủ yếu, hành động táo bạo, bất ngờ, làm cho địch không dự kiến kịp và không kịp trở tay. Bộ Chính trị quyết định: quyết tâm giải phóng Sài Gòn và miền Nam trước mùa mưa (tháng 5/1975)”[1].
Ngày 12/4/1975, Ban Thường vụ Thành ủy ra chỉ thị hướng dẫn các cấp Đảng bộ Những việc cần làm ngay trong các giai đoạn trước, trong và sau khi thành phố được giải phóng với tinh thần Thời cơ 20 năm chỉ có một lần!
Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn – Gia Định đã ra sức đẩy mạnh các hoạt động đấu tranh chính trị mạnh mẽ, xây dựng và phát triển nhanh chóng lực lượng vũ trang, vừa xây dựng vừa chiến đấu đánh địch ngay ở những vùng ngoại vi thành phố. Lực lượng làm công tác dân vận, binh vận, Hoa vận, Trí vận và nhất là lực lượng của Thành đoàn đã phát triển mạnh mẽ, hoạt động rất hiệu quả, không những vận động nhân dân, vận động binh lính địch mà còn góp phần tác động cả những nhân vật chóp bu của chính quyền Sài Gòn. Như vậy, trước khi Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu, toàn Thành phố đã ở trong tư thế sẵn sàng nổi dậy.
Để đi tới Chiến dịch lịch sử đó, Đảng bộ Sài Gòn – Gia Định được giao nhiệm vụ: Chuẩn bị phát động quần chúng nổi dậy giành chính quyền; Lực lượng vũ trang hỗ trợ quần chúng nổi dậy, chiếm giữ các cầu trọng yếu, khống chế các trận địa pháo, sân bay của địch, chiếm các bàn đạp và dẫn đường cho bộ đội chủ lực; Tạo mọi điều kiện cần thiết cho các binh đoàn chủ lực tập kết, triển khai lực lượng; Bảo đảm hậu cần tại chỗ cho Chiến dịch.
Khi Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu, thực hiện sự lãnh đạo của Thành ủy, toàn Thành phố đã nhất tề đứng lên. Nhiều nơi, lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương đã chủ động giành chính quyền. Cùng với các mũi tiến công của bộ đội chủ lực, các cuộc tiến công của lực lượng vũ trang và nổi dậy của quần chúng nhân dân đã làm tan rã chính quyền Sài Gòn, xây dựng chính quyền cách mạng. Lực lượng công nhân và các tầng lớp nhân dân đã giữ gìn, bảo vệ các cơ sở sản xuất, không để xảy ra cướp bóc, phá hoại. Đến sáng 30/4, toàn Thành phố đã có 107 điểm nổi dậy. Và đến trưa 30/4, cờ sao tung bay trên khắp phố phường cho tới khi cờ chiến thắng tung bay trên nóc Dinh Độc lập. Cả thành phố rực rỡ cờ hoa chiến thắng, cả thành phố rạng rỡ nụ cười của mọi người dân. Nhân dân đón chào Quân giải phóng, thúc giục quân lính Việt Nam cộng hòa cởi bỏ quân phục, nộp vũ khí đầu hàng; lực lượng vũ trang chỉ đường cho bộ đội chủ lực, hỗ trợ nhân dân nổi dậy khắp các địa bàn thành phố. Chưa ở đâu có một kỳ tích như ở Việt Nam: Thành phố trung tâm đầu não của chính quyền địch được giải phóng nhanh gọn mà vẫn gần như nguyên vẹn.
Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, đó là sự kết hợp thành công, đúng đắn, tuyệt đẹp của tổng tiến công và nổi dậy. Đảng lãnh đạo đúng, quần chúng nổi dậy mạnh mẽ, kịp thời, lực lượng vũ trang tiến công quyết đoán, sắc bén.
Nhìn lại lịch sử, những dấu son nổi bật của Đảng bộ và nhân dân thành phố trong việc góp phần tạo và nắm bắt thời cơ chiến lược có thể thấy nổi lên mấy điểm đặc biệt, như là những bài học kinh nghiệm: Chủ động nắm chắc tư tưởng chỉ đạo chiến lược của Trung ương, vận cụ thể trong thực tiễn của thành phố; Chủ động góp phần đánh bại các chiến lược chiến tranh của Mỹ và tay sai ngay tại trung tâm đầu não của chúng; Trực tiếp tiến công địch, kết hợp chặt chẽ ba mũi giáp công chính trị, quân sự, binh vận ngay tại sào huyệt của địch; Chủ động xây dựng và phát triển lực lượng chính trị rộng khắp, ngày càng vững chắc, phát triển mạnh mẽ, kết hợp chặt chẽ xây dựng lực lượng vũ trang tinh nhuệ, gọn và mạnh, giỏi tác chiến ở địa bàn đô thị; Lãnh đạo kiên quyết, chủ động, linh hoạt, sáng tạo; Xây dựng, bồi dưỡng, rèn luyện một đội ngũ cán bộ anh dũng, kiên cường, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng hy sinh vì hạnh phúc của nhân dân.
Đã gần 50 năm sau Đại thắng Mùa xuân 1975, chúng ta có quyền tự hào về những gì Đảng bộ và nhân dân Thành phố đã làm trong thực hiện mong ước của Bác Hồ: Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay! Thành phố đã và đang là đầu tàu kinh tế của khu vực và của cả nước. Thành phố là nơi khởi phát nhiều phong trào trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, trong việc nâng cao đời sống người dân. Thành phố cũng đang đi đầu trong xây dựng, hiện thực hóa không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Thành quả phát triển Thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua đã đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước; khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Thành phố trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, tiềm năng, lợi thế của Thành phố chưa được khai thác hiệu quả. Tính vượt trội, sự năng động, sáng tạo, vai trò đầu tàu, động lực, dẫn dắt đối với vùng và cả nước có chiều hướng suy giảm, kinh tế tăng trưởng chậm, năng lực cạnh tranh quốc tế còn thấp. Trước mắt, còn nhiều việc phải làm để Thành phố bứt phá mạnh mẽ hơn. Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị đến với Thành phố gợi mở ra thời cơ lớn, tạo những điều kiện căn bản để Thành phố phát triển. Thiết nghĩ, bài học về chủ động góp phần tạo và nắm bắt thời cơ chiến lược của Thành phố trong chiến tranh giải phóng vẫn cần suy ngẫm và vận dụng sáng tạo trong thực tiễn hôm nay.
Thiếu tướng, PGS, TS Vũ Quang Đạo
Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam