HND Thành phố Hồ Chí Minh và HND tỉnh Ninh Thuận ký kết Chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2024 – 2028
Chiều 30/5, tại trụ sở Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận, Ban Thường vụ Hội Nông dân Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận tổ chức ký kết Chương trình phối hợp gắn với trao đổi kinh nghiệm, học tập các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả có sử dụng vốn Quỹ hỗ trợ nông dân và trao học bổng Lương Định Của tại tỉnh Ninh Thuận năm 2024.
Tham dự chương trình có đồng chí Phạm Minh Hùng, Nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phụ trách phía Nam, đồng chí Nguyễn Văn Quế, Phó Trưởng ban thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy Ninh Thuận, đồng chí Lê Thanh Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận, đồng chí Lê Minh Dũng, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhân chuyến đi học tập, gắn với trao đổi kinh nghiệm, tham quan các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả có sử dụng vốn Quỹ hỗ trợ nông dân tại tỉnh Ninh Thuận năm 2024, Ban Thường vụ Hội Nông dân Thành phố Hồ Chí Minh và Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận tổ chức Lễ ký kết Chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2024 – 2028. Chương trình ký kết giữa 2 đơn vị gồm 7 nội dung:
(1) Tăng cường trao đổi và đăng tải các tin bài về hoạt động của Hội Nông dân, tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tích cực ứng dụng chuyển đổi số, liên kết sản xuất, tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản; cung cấp thông tin thị trường, giới thiệu các điển hình tiên tiến trong sản xuất, quản lý, kinh doanh, các hộ sản xuất kinh doanh giỏi trên các trang fanpge, bản tin, website, zalo…trên Cổng thông tin điện tử (website) và Bản tin của Hội Nông dân thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Ninh Thuận.
(2) Tổ chức các hoạt động tham quan, trao đổi học tập kinh nghiệm trong công tác Hội và phong trào nông dân, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh. Hỗ trợ các hoạt động xây dựng mô hình, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các Chi hội, Tổ hội Nông dân nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã.
(3) Đẩy mạnh phối hợp giới thiệu liên kết, hợp tác sản xuất, giao lưu, trao đổi, tư vấn giữa các câu lạc bộ nông dân tỷ phú, câu lạc bộ nông dân triệu phú, câu lạc bộ hộ sản xuất, kinh doanh giỏi… Tăng cường các hoạt động khảo sát, tìm kiếm thị trường, thúc đẩy giao thương, kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp.
(4) Thường xuyên trao đổi, học tập kinh nghiệm trong công tác xây dựng, quản lý, sử dụng Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) và các nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển sản xuất; các hoạt động giúp đỡ nông dân phát triển thương hiệu, nhãn hiệu nông sản hàng hóa có giá trị kinh tế cao, liên kết chuỗi giá trị gia tăng; xây dựng mẫu mã, bao bì, nhãn mác sản phẩm, truy xuất nguồn gốc. Phối hợp tổ chức các phiên giao dịch, các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm.
(5) Hằng năm, phối hợp tổ chức các hoạt động thiết thực, mang tính chất tương thân tương ái, đồng hành, cùng nhau phát triển. Hỗ trợ sinh kế phục vụ sản xuất, an sinh xã hội, động viên kịp thời các hộ hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn. Tạo điều kiện, giúp cho hội viên có cơ hội lựa chọn hình thức sản xuất phù hợp cho hộ gia đình mình để vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
(6) Phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá về văn hoá, du lịch, các dịch vụ thế mạnh, sản phẩm đặc thù, các chính sách thu hút đầu tư trong nông nghiệp, nông thôn của mỗi địa phương; tham gia Festival, các phiên chợ, hội chợ, triển lãm trưng bày, giới thiệu quy trình, sản phẩm, trang thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp và thủy sản…; liên kết 6 nhà “Nhà nước – Nhà khoa học – Nhà nông – Nhà Doanh nghiệp – Nhà phân phối – Ngân hàng” và gắn kết chặt chẽ giữa “Sản xuất – Tiêu dùng”, góp phần tăng giá trị, đồng thời đảm bảo nguồn cung nông sản hàng hóa ổn định, chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là những sản phẩm đặc thù (các sản phẩm tươi và qua chế biến) của địa phương như: Nho, táo, măng tây, hành tỏi, bò, dê, cừu, thủy sản,… cho thị trường Hồ Chí Minh và ngược lại.
(7) Phối hợp vận động các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp, tiêu thụ các sản phẩm nông sản cho nông dân; tổ chức hội nghị, hội thảo, giao lưu, xúc tiến đầu tư, tham quan, học tập trao đổi kiến thức, kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo; đồng thời, hỗ trợ giúp nông dân xây dựng, quản lý, sử dụng có hiệu quả các thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý đảm bảo theo quy định cho các loại nông sản hàng hóa, phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển hiện nay.
Nhân dịp này Hội Nông dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã trao tượng trưng 50 suất học bổng Lương Định Của cho con hội viên nông dân hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận với tổng kinh phí 50 triệu đồng.
Đan Thanh