Du Lịch Nông NghiệpGương Sáng Nông Dân

Khi người nông dân làm du lịch nông nghiệp, sinh thái

Các huyện ngoại thành của Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang xây dựng các điểm đến du lịch nông nghiệp dựa trên khai thác tiềm năng, thế mạnh tài nguyên thiên nhiên và văn hóa tại chỗ. Các điểm du lịch nông nghiệp đang thu hút du khách với nhiều trải nghiệm hấp dẫn, đồng thời đưa nông sản phục vụ du khách trong hành trình tham quan, góp phần tăng thêm thu nhập cho nhà nông.

Xu hướng phát triển du lịch nông nghiệp, sinh thái

Du lịch nông nghiệp vốn là mô hình mang lại nhiều lợi ích cho người nông dân và các địa phương. Qua đó không chỉ giúp người nông dân tăng thêm thu nhập, mà còn góp phần hình thành thói quen sống xanh, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và môi trường. Đặc biệt, từ sau đại dịch Covid-19, nhiều người đã tìm đến du lịch nông nghiệp, sinh thái với mong muốn được hòa mình vào thiên nhiên, tìm đến nơi nghỉ dưỡng bình yên, trải nghiệm văn hóa, tài nguyên bản địa, gần gũi với thiên nhiên và cộng đồng.

Là một địa phương vốn phát triển mạnh về du lịch, Thành phố Hồ Chí Minh vốn là nơi hội tụ nhiều loại hình du lịch nhất cả nước như: du lịch MICE, du lịch mua sắm, du lịch ẩm thực, du lịch y tế,… trong đó tất nhiên có cả du lịch nông nghiệp. Dù diện tích đất canh tác nông nghiệp không lớn so với các tỉnh, thành khác, tuy nhiên nông dân của Thành phố Hồ Chí Minh vốn năng động, sáng tạo, cùng với đó là sức sống mãnh liệt của nền văn hóa đã tạo ra những giá trị riêng đáp ứng phát triển du lịch nông nghiệp.

Cả 5 huyện ngoại thành (Củ Chi, Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè, Hóc Môn) và Thành phố Thủ Đức đã và đang có những điểm đến du lịch nông nghiệp, sinh thái thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tìm đến trải nghiệm.

Ấp đảo muối Thiềng Liềng chuyển mình thành ấp đảo du lịch

Thiềng Liềng (Cần Giờ) vốn nổi tiếng với nghề làm muối. Muối ở đây trắng tinh, theo các ghe lái xuôi về khắp các tỉnh. Nghề làm muối vốn ra đời cùng thời với những người dân từ miền Tây đến đây lập ấp. Những cánh đồng muối bao la không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế cho người dân nơi đây, mà còn là nguồn cảm hứng sáo tạo nghệ thuật cho các nhiếp ảnh gia mỗi khi vào vụ muối.

Chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết trình bày đề tài “Phát triển bền vững mô hình du lịch cộng đồng ấp Thiềng Liềng, xã đảo Thạnh An” tại hội thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông” năm 2023

Từ năm 2018, được sự quan tâm của chính quyền các cấp, cũng như sức lan tỏa, truyền tai nhau của các nhiếp ảnh gia về vùng đất hoang sơ, bình yên, đảo trong đảo ngay tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều khách du lịch đã tìm đến nơi đây. Từ năm 2020, Thiềng Liềng bắt đầu chuyển mình để phát triển du lịch nông nghiệp. Với hệ giá trị sinh thái tự nhiên và văn hóa của địa phương, lượng du khách tìm đến ngày càng nhiều hơn. Mỗi người dân trên đảo đều được tập huấn, học tập và xây dựng những dịch vụ trải nghiệm mang bản sắc rất riêng trên đảo. Và để đón tiếp du khách, từ người già đến trẻ nhỏ đều được tập huấn về hoạt động giao tiếp để trở thành các “hướng dẫn viên” cho đảo.

Người làm muối thì kể chuyện muối, đưa du khách trải nghiệm nghề làm muối và các dịch vụ khác liên quan đến muối; người trồng si rô thì mang đến trải nghiệm du khách tận tay hái trái si rô, pha nước giải uống; nghệ nhân thì biểu diễn đờn ca tài tử, … Đến đây, du khách lại có cơ hội hiểu hơn về đảo muối, hiểu hơn về muối và con người nơi đây. Sản phẩm OCOP muối ớt, muối tôm, muối thảo dược Thiềng Liềng nhờ đó được tiếp cận nhiều khách hàng hơn.

Sản phẩm được tinh chế từ muối tại ấp Thiềng Liềng, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ

Từ trang trại ếch sạch đến phát triển điểm đến du lịch nông nghiệp

Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Phát Đạt (Củ Chi) ra đời từ năm 2020 chuyên cung cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật và kinh doanh ếch, cá rô, cá lăng… Với những kiến thức và kinh nghiệm về nuôi thủy sản, từ khi bắt đầu hình thành và phát triển Hợp tác xã Phát Đạt, anh Dương Đình Tình – chủ nhiệm HTX đã luôn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ các thành viên hợp tác xã và bà con nông dân có nhu cầu nuôi thủy sản, đặc biệt là ếch.

Nhận thấy vị trí của trại ếch có nhiều tiềm năng phát triển du lịch như gần khu di tích địa đạo Củ Chi, xung quanh trại ếch có nhiều vườn trái cây, ngoài ra, một số hợp tác xã lân cận cũng đang có xu hướng liên kết tạo chuỗi điểm đến sinh thái cho khách du lịch, anh Tình mạnh dạn tập trung đầu tư mở rộng khuôn viên trại nuôi ngay từ đầu năm 2023.

Trại nuôi chủ lực là ếch, được bố trí khoa học với những khu vực riêng để chứa trứng, nòng nọc, cá nhái, ếch giống, ếch con và ếch thịt đã trưởng thành để không chỉ thuận tiện trong việc nuôi, giới thiệu đến khách hàng, mà còn đảm bảo cho khách tham quan dễ dàng tìm hiểu về dòng đời phát triển của loài ếch. Đặc biệt, trại còn nuôi cá rô đầu vuông, vốn cũng là một trong những loại nông sản của hợp tác xã Phát Đạt từ trước đến nay, vừa giải quyết chất thải của ếch tại trại nuôi, vừa có hoạt động câu cá phục vụ khách tham quan.

Hiện nay trại nuôi đang tiến hành thực hiện khu vực “câu – bắt ếch” để đa dạng các hoạt động tại điểm đến này. Bếp ăn và khuôn viên phục vụ ẩm thực cũng sẽ được nâng cấp, mở rộng hơn để phục vụ khách đoàn.

Nhằm khảo sát, tìm hiểu về nhu cầu của khách tham quan, anh đã mở cửa trại nuôi, mời các khách hàng mua ếch đến tham quan, tìm hiểu trước khi mua thành phẩm hoặc con giống. Bên cạnh đó, một số trường mầm non, trường tiểu học lân cận cũng liên hệ đưa học sinh đến để tìm hiểu về quá trình phát triển của loài ếch như một buổi học ngoại khóa. Hiện trang trại ếch Phát Đạt đang gấp rút xúc tiến để chính thức trở thành điểm đến du lịch sinh thái. Sắp tới đây, khi đã hoàn thành và chính thức đi vào hoạt động, khuôn viên xanh, thoáng đãng, du khách đến tham quan được tận tay cho ếch ăn, tìm hiểu về ếch, tham gia hoạt động trải nghiệm câu ếch, câu cá, thưởng thức ẩm thực sạch – tươi ngon tại chỗ hoặc mua về là những điều thú vị mà trang trại ếch Phát Đạt mang đến cho du khách.

Trại ếch giống của Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Phát Đạt huyện Củ Chi

Vừa quảng bá, tiếp cận thêm nhiều đối tượng khách hàng mua ếch, vừa là điểm du lịch mang đến trải nghiệm sinh động về ếch cho du khách, anh Tình cùng các thành viên hợp tác xã đang rất kỳ vọng cho những bước tiến mới của Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Phát Đạt trong tương lai.

Và còn nhiều lắm những điểm đến du lịch nông nghiệp sinh thái với quy mô lớn, nhỏ khác nhau đã và đang được xây dựng để tiếp đón du khách. Mỗi mô hình là một câu chuyện riêng gắn với cuộc sống của người nông dân nhằm mang đến những trải nghiệm chân thật và sống động nhất dành cho du khách. Dẫu có nhiều bỡ ngỡ ban đầu, dẫu gặp không ít khó khăn, nhưng với tinh thần sáng tạo, bám đất, giữ nghề, người nông dân của Thành phố Hồ Chí Minh vẫn không ngừng học hỏi để phát triển, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp đô thị trong giai đoạn mới.

Hồ Điệp

Chủ đề liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button