Thành phố Hồ Chí Minh – Đặc sắc du lịch đất phương Nam
Thành phố Hồ Chí Minh với lịch sử hình thành hơn 300 năm nên chứa đựng nhiều dấu ấn văn hoá – lịch sử hấp dẫn về hành trình gian nan mở cõi của người dân đất phương Nam. Ngày nay, thành phố bên bờ sông Sài Gòn với sự năng động, trẻ trung hoà quyện với những yếu tố văn hoá – lịch sử truyền thống và đặc trưng sinh thái vùng đồng bằng sông Cửu Long đang là điểm đến hấp dẫn dành cho du khách trong và ngoài nước.
Du khách tham quan, khám phá Dinh Độc Lập- Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt ở trung tâm TP. Hồ Chí Minh. Ảnh Nguyễn Luân/VNP
Dấu ấn du lịch văn hoá – lịch sử
Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh trải qua hơn 300 năm hình thành và phát triển, là vùng đất hội tụ nhiều dòng chảy văn hoá, trong đó nổi bật nhất là dấu ấn văn hoá của người Việt, Hoa, Chăm, Khmer, Ấn… rồi sau này có thêm những ảnh hưởng của văn hoá Pháp, Mỹ.
Trong thời kì đầu cho đến thời Pháp thuộc, tức khoảng từ thế kỉ 17 đến thế kỉ 19, nhiều công trình văn hoá, tín ngưỡng độc đáo đã được xây dựng thể hiện đậm nét tính cách văn hóa người phương Nam trong hành trình khai hoang mở cõi, chống giặc ngoại xâm, cũng như trong việc tiếp xúc và dung hòa với nhiều nền văn hóa khác. Điển hình nhất là hệ thống các đình, chùa, hội quán, nhà thờ như: đình Thông Tây Hội, đình Minh Hương, chùa Giác Lâm, chùa Bà Thiên Hậu, Tổ đình Giác Viên, hội quán Nghĩa An, hội quán Quảng Triệu, nhà thờ Đức Bà, nhà thờ Thông Tây Hội, nhà thờ Thủ Đức… cùng với hàng chục lễ hội văn hoá đa sắc màu khác.
Muộn hơn một chút, đến khoảng cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20 thì xuất hiện thêm nhiều công trình xây dựng lớn mang đậm dấu ấn kiến trúc Pháp mà đến nay vẫn còn như: Bến Nhà Rồng (1863), dinh Thống Nhất (1868), Bưu điện trung tâm thành phố (1886), Nhà hát lớn (1898), Tòa nhà trụ sở UBND Thành phố (1898), chợ Bến Thành (1912)…
Sau năm 1975, bên cạnh những công trình di tích lịch sử, văn hóa cổ, thành phố Hồ Chí Minh đã cho xây dựng thêm nhiều công trình văn hóa, du lịch mới như: Thảo Cầm Viên, Đầm Sen, Suối Tiên, hồ Kỳ Hoà, khu du lịch sinh thái Cần Giờ… để làm chỗ vui chơi, giải trí cho người dân và du khách. Đặc biệt, nhiều công trình di tích lịch sử, cách mạng nổi tiếng cũng được phục hồi, tôn tạo để phục vụ nhu cầu tham quan tìm hiểu về lịch sử thành phố như: địa đạo Củ Chi, dinh Độc Lập, đền tưởng niệm Bến Dược (Củ Chi), 18 thôn Vườn Trầu, căn cứ nổi rừng Sác…
Đến với thành phố Hồ Chí Minh hôm nay, du khách không chỉ được tận mắt chứng kiến sự phát triển thần kì của trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch và khoa học-kĩ thuật hàng đầu Việt Nam, nơi có những tòa nhà chọc trời, những trung tâm vui chơi giải trí, mua sắm sầm uất, những đại lộ rực rỡ ánh đèn về đêm… mà còn được khám phá những vẻ đẹp vẹn nguyên của các công trình văn hóa cổ được bảo tồn một cách tốt nhất.
Hiện nay, một trong những tour du lịch được ưu thích của du khách khi đến thành phố Hồ Chí Minh là tham quan di tích quốc gia đặc biệt dinh Độc Lập, nơi chứng kiến sự sụp đổ của chính quyền Việt Nam Cộng hòa vào trưa ngày 30/4/1975; Bưu điện trung tâm thành phố, công trình kiến trúc cổ độc đáo thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc phương Tây và phong cách trang trí phương Đông; khám phá di tích cách mạng địa đạo Củ Chi, một công trình kiến trúc quân sự độc đáo với hệ thống đường hầm dài hơn 200km nằm sâu trong lòng đất với đầy đủ công năng ăn ở, sinh hoạt và chiến đấu…
Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược (huyện Củ Chi) quần thể kiến trúc hài hòa mang bản sắc văn hóa Việt. Ảnh: Tư liệu Địa đạo Củ Chi
Đối với du khách yêu thích khám phá văn hóa, lịch sử, ẩm thực địa phương sẽ được trải nghiệm chương trình “Gò Vấp – Trăm năm tìm lại dấu xưa” với chuỗi hoạt động hấp dẫn như: xem múa lân ở Chợ Lớn, tham quan miếu cổ Phù Châu, đình Tân Thới, chùa Pháp Vân, địa đạo Phú Thọ Hòa…
Đẩy mạnh phát triển nhiều loại hình du lịch mới
Sau đại dịch COVID-19, để tạo sức hút đối với du khách, ngay từ đầu năm 2022, ngành du lịch Thành phố đã khởi động ngay các chương trình “Thành phố Hồ Chí Minh chào đón bạn – Welcome to Ho Chi Minh City”, “Mỗi quận/huyện có ít nhất một sản phẩm du lịch đặc trưng”…
Du khách khám phá khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Ảnh: Thông Hải/VNP
Du khách khám phá chiến khu rừng Sác nằm trong khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Ảnh: Thông Hải/VNP
Ngành du lịch Thành phố đã phối hợp cùng thành phố Thủ Đức và các quận, huyện trên địa bàn tổ chức khảo sát, xây dựng nhiều tour, tuyến du lịch mới nhằm nâng cấp, làm mới các sản phẩm du lịch để đáp ứng yêu cầu mới của du khách.
Du lịch giải trí – ẩm thực – dịch vụ về đêm là một trong 3 nhóm sản phẩm du lịch được Thành phố Hồ Chí Minh tập trung phát triển. Từ đó, tạo ra nhiều sản phẩm mới, độc đáo và nâng chất trải nghiệm của du khách.
Hiện nay, du khách trong và ngoài nước đến thành phố Hồ Chí Minh có thể lựa chọn những tour, tuyến du lịch trải nghiệm mới như: ngắm thành phố từ trên cao bằng máy bay trực thăng, ngắm hoàng hôn và khám phá vẻ đẹp thành phố khi lên đèn bằng du thuyền trên sông…
Bên cạnh đó, các huyện ngoại thành cũng đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái. Đơn cử như huyện Cần Giờ là huyện duy nhất của thành phố Hồ Chí Minh có bờ biển dài 23km cùng với hơn 22.000ha diện tích sông ngòi và hệ sinh thái rừng ngập mặn độc đáo, cho khí hậu mát mẻ, trong lành quanh năm. Là một trong những khu dự trữ sinh quyển đầu tiên ở Việt Nam, được mệnh danh là “ốc đảo xanh” của Thành phố với những khu rừng ngập mặn nguyên sinh, hoang sơ. Đến với khu du lịch sinh thái Cần Giờ, du khách sẽ được thỏa sức khám phá thiên nhiên kỳ thú, thơ mộng tại các điểm tham quan được xây dựng dựa trên môi trường tự nhiên sẵn có.
Trải nghiệm đi thuyền phụng khám phá kênh Nhiêu Lộc uốn lượn trong lòng Thành phố. Ảnh: Thông Hải/VNP
Một điểm thú vị nữa là hiện khá đông du khách nước ngoài cũng đã chọn phương tiện tàu buýt đường sông để khám phá Sài Gòn. Để thuận tiện cho việc di chuyển của hành khách đi du lịch đường sông, thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai 3 tuyến xe điện kết nối nhanh chóng từ các bến tàu thủy đến các địa điểm tham quan trong Thành phố.
Huyện Củ Chi cũng được xem là “vành đai xanh” của thành phố Hồ Chí Minh, phù hợp phát triển du lịch sinh thái, du lịch miệt vườn. Khi du khách đến với Củ Chi sẽ được tham quan các vườn cây trái ven sông Sài Gòn, các khu nông trại xanh, khu nông nghiệp công nghệ cao, địa đạo Củ Chi… hay trải nghiệm thú vui “một ngày làm nông dân” ở các khu nhà vườn trù phú.
Được biết, hiện thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung phát triển thêm nhóm sản phẩm du lịch giải trí – ẩm thực – dịch vụ về đêm nhằm tạo ra nhiều sản phẩm mới, độc đáo để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của du khách./.
Trải nghiệm du lịch trên sông Sài Gòn. Ảnh: Tư liệu
Thành phố Hồ Chí Minh có 366 địa điểm có khả năng khai thác, phát triển sản phẩm du lịch với 4 nhóm chính: du lịch tự nhiên, du lịch văn hóa vật thể, du lịch văn hóa phi vật thể và du lịch gắn với các công trình nhân tạo, hiện đại. Đến nay, ngành du lịch thành phố đã phối hợp với doanh nghiệp công bố và triển khai hơn 40 chương trình du lịch tại các quận, huyện.
Bài: Thông Hải Ảnh: Thông Hải – Nguyễn Luân – Tư liệu